Vào những năm đầu thế kỷ XIX di tích chỉ là ngôi miếu nhỏ để thờ cúng thần linh, sau được nâng cấp thành ngôi đình. Năm 1839, vùng đất Cần Thơ mang tên Phong Phú, làng Thường Thạnh được xác lập, đình cũng lấy tên là Thường Thạnh - Thuờng Thạnh có nghĩa là thịnh vượng lâu dài, mãi mãi.
Do đình nằm gần ngã ba sông, nơi có dòng nước xoáy (vận) nên người dân quen gọi là đình Nước Vận và gọi cho đến ngày hôm nay.
- Dưới triều Vua Gia Long 1802-1820 đến triều Vua Minh Mạng thứ 13 năm 1832 Cần Thơ thuộc địa phận huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh - vùng Thường Thạnh thuộc huyện Vĩnh Định.
- Năm 1868, Pháp chiếm xong ba tỉnh Miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) Thường Thạnh thuộc huyện Phong Phú (Cần Thơ). Nghị định ngày 20/12/1889 chính quyền Pháp bãi bỏ danh xưng địa hạt, chia Nam kỳ thành 21 tỉnh, trong đó có tỉnh Cần Thơ.
- Năm 1917, xã Thường Thạnh, thuộc tổng Định Bảo, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ.
- Năm 1956 tỉnh Cần Thơ đổi tên thành tỉnh Phong Dinh, xã Thường Thạnh thuộc tổng Định Bảo, quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh.
- Sau năm 1975, xã Thường Thạnh thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đến năm 1991 chia tách tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, lúc này Thường Thạnh thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ
- Di tích lịch sử- văn hóa Đình Thường Thạnh thuộc loại hình Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Đình Thường Thạnh hiện nay là công trình được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vừa theo kiểu phương Đông truyền thống, vừa chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây. Sự kết hợp hài hòa đó đã tạo cho công trình một dáng vẻ riêng vững vàng, cân đối, gần gũi với thiên nhiên và tâm hồn người Việt. Nổi bật và đáng chú ý nhất là kiểu kiến trúc 3 gian theo quan niệm “tam gian phú qúy” các hoa văn, họa tiết trên bao lam, thành vọng, khánh thờ được chạm khắc công phu nhưng không cầu kỳ phức tạp. Mỗi đề tài đều thể hiện rõ nét sự khéo léo về nghệ thuật chạm khắc gỗ của các bậc thợ tiền bối tài hoa.
Bạch Hổ làng Thường Thạnh
Chuyện xưa kể rằng, làng Thường Thạnh xưa kia là vùng đất hoang vu, rừng rậm, thú dữ hoành hành. Thời Chúa Nguyễn Ánh chạy trốn sự truy đuổi của nhà Tây Sơn, ông đã đưa quân lính đến đây để trú ngụ lánh nạn. Được một thời gian, vì sợ bị phát hiện nên ông cho rút quân tiến thẳng về đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, một số tùy tùng của ông vì ngán sợ cảnh giết chóc, hiểm nguy nên tìm cách ở lại nơi này.
Thời gian trôi qua, lương thực đã hết nên họ chỉ còn biết săn bắt để sống qua ngày. Họ tìm cách thoát khỏi vùng đất này nhưng không làm sao được. Rủi thay, dịch bệnh tấn công mà thú dữ lại hoành hành khôn xiết khiến mọi người thêm bế tắc. Đêm nọ, có người nằm chiêm bao thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, tay chống gậy, xưng mình là chúa tể sơn lâm trấn giữ vùng đất này. Sách “Truyện dân gian Cần Thơ” thuật lại lời ông lão: “Vì thấy mọi người đang gặp kiếp nạn, nên ta đến đây mách bảo cứu cho sống sót. Hãy lấy vỏ cây cổ thụ bên kia mà đâm uống, bệnh sẽ hết. Phải lập miếu tôn thờ Bạch Hổ, thú dữ không dám đến quấy nhiễu nữa. Cố gắng chờ vào đầu mùa thu sẽ có người đến cứu ra”.
Tỉnh dậy, người này thuật lại với mọi người và cùng nhau làm theo lời báo mộng. Quả vậy, ai bị bệnh đều khỏe mạnh lại như thường, thú dữ cũng chẳng còn đến quấy phá, đe dọa. Ngôi miếu thờ Bạch Hổ được dựng lên ngay sau đó với lòng biết ơn đấng siêu nhiên phù trợ.
Đến đầu mùa thu, trong lúc đang đi săn, nhóm người này thấy một nhóm người khác đang đi ở đầu kinh (tương truyền chỗ ngã ba Nước Vận ngày nay, gần Đình Thường Thạnh) thì vội đốt lá hun khói báo hiệu, xin được giúp đỡ. Sau đó, vì thấy vùng đất này dễ bề làm ăn nên từng tốp người tới khẩn hoang, mở đất, khai cơ, lập làng. Câu chuyện giấc mơ về thần Bạch Hổ lưu truyền hậu thế. Ai tới đây buôn bán hay lập nghiệp đều lễ tạ Bạch Hổ và cầu xin mọi điều tốt lành. Tục lệ đó còn truyền tới bây giờ. Ngay mé rạch trước Đình Thường Thạnh hiện nay vẫn còn có miếu thờ Thần Hổ, lập mới hồi năm Bính Tý 1996. Hai bên miếu có đôi câu đối ca ngợi công đức Sơn Quân: “Oai trấn sơn lâm vang dội tiếng/ Trừ gian diệt ác độ hiền nhân”.
Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung
Tín ngưỡng thờ Mẫu có ở hầu khắp các địa phương của nước ta. Riêng ở Nam Bộ, tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ làm nên sắc thái riêng, với các ngôi miếu thờ, điện thờ... Bà Chúa Xứ có thể hiểu là Bà Chúa của xứ sở, thường gắn với địa danh nơi thờ, ví dụ như Bà Chúa Xứ Núi Sam, Bà Chúa Xứ Bàu Mướp (An Giang), Bà Chúa Xứ Gò Tháp (Đồng Tháp)... Vậy nhưng, trong khuôn viên Đình Thần Thường Thạnh, có miếu thờ Bà Chúa Xứ, dân gian gọi là Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung. Thật ra, cách gọi Bà Chúa Xứ hay Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung thì không khác nhau về nội hàm.
Các vị bô lão làng Thường Thạnh kể lại rằng, xưa kia, ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ nằm đối diện bên kia sông Đình Thường Thạnh bây giờ, chỉ là ngôi miếu nhỏ bằng cây lá. Hồi đó, dân làng Thường Thạnh còn cực khổ lắm, thú dữ hoành hành, việc trồng trọt, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, lại thêm nạn cướp bóc... Ngày nọ, một vị bô lão trong làng nằm ngủ thấy mộng lạ: Một nữ tướng oai phong lẫm liệt, tay cầm giáo ngồi ngựa phi nước đại, phía sau là cả đạo quân gươm giáo trên tay. Nữ soái đến trước mặt ông và nói: “Ta là tướng soái Nguyên Nhung được lệnh đến đây trấn giữ vùng đất này, độ hộ dân làng Thường Thạnh tránh khỏi nạn kiếp hiểm nghèo. Nhà người hãy cùng dân làng lập ngay cái miếu để ta cùng quân lính tạm trú, xua đuổi giặc giã cướp phá ra khỏi vùng đất này” (theo “Truyện dân gian Cần Thơ”).
Theo lời của nữ tướng, dân làng Thường Thạnh có được cuộc sống an bình, thịnh vượng. Ngôi miếu nhỏ được dựng lên, sớm hôm khói hương. Đến năm Tự Đức ngũ niên 1852, vua sắc phong “Bổn Cảnh Thần Hoàng” cho Đình Thường Thạnh. Ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ được dời về trong khuôn viên Đình Thường Thạnh để bà con thuận tiện đến lễ bái.
Tới bây giờ, người dân làng Thường Thạnh vẫn nhắc đến sự oai linh, thiêng liêng của Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung với rất nhiều câu chuyện ly kỳ. Việc trong khuôn viên ngôi đình làng lại có ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ là hiện tượng tín ngưỡng dân gian lý thú ở Nam Bộ. Đó là sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ Thần Hoàng và thờ Mẫu - Bà Chúa của xứ sở. Trước chánh môn miếu Bà hiện tại, có đôi câu đối: “Thiên thu xuân sắc hội thần tiên/ Vạn cổ đào hoa cung cửu phẩm”. Vào dịp Kỳ yên Đình Thần Thường Thạnh, đều có tổ chức cúng Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung rất trọng thể. Cũng như cổ lệ, cúng bà có múa bóng rỗi. Nghệ nhân vừa hát tụng ca Bà, vừa múa mâm vàng, bông huệ, lông công hay khạp... tài nghệ rất điêu luyện.
****
Từ những đặt điểm riêng về kiến trúc, nghệ thuật kết hợp với sinh hoạt lễ hội truyền thống trong không gian thoáng, rộng, đình Thường Thạnh như một bức tranh toàn cảnh của làng quê Việt Nam xưa với bến nước, sân đình và những phong tục, tập quán, nghi lễ gắn liền với đời sống tâm linh bình dị của cư dân vùng sông nước Tây Nam bộ. Tất cả các yếu tố đó đã chứng minh đình Thường Thạnh là công trình văn hoá, tín ngưỡng rất có giá trị cần được giữ gìn, bảo lưu để làm “giàu” thêm kho tàng di sản văn hoá dân tộc tại thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng đất Nam bộ nói chung.