Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Các doanh nghiệp lữ hành cần đổi mới phương thức quản trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn bị lực lượng để phục hồi, phát triển bền vững

14/01/2021
2056

Diễn đàn có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch; lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hải Phòng; lãnh đạo huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng); lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam; và hơn 400 doanh nghiệp lữ hành trong cả nước cùng phóng viên báo chí, truyền hình trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn (Ảnh: TITC)

Lữ hành có vai trò rất quan trọng trong ngành du lịch, là đầu tầu liên kết và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ du lịch. Diễn đàn Lữ hành toàn quốc được tổ chức nhằm tìm giải pháp khôi phục hoạt động lữ hành, tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi của các dịch vụ du lịch. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành chuyển đổi kế hoạch kinh doanh năm 2021 theo phương châm “vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, với sự tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2016 - 2019, Du lịch Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trong nền kinh tế quốc dân, đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Du lịch Việt Nam đã trở thành một hiện tượng của du lịch thế giới với tốc độ tăng trưởng cao và được vinh danh bằng danh hiệu quốc tế uy tín. Tuy nhiên sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch.

Toàn cảnh Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021 (Ảnh: TITC)

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp lữ hành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để khôi phục ngành. Sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành đã giúp xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành du lịch. Bối cảnh khó khăn do Covid-19 còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch. Sự ưu việt của thương mại điện tử, của nền kinh tế chia sẻ đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với nhiều ngành kinh tế. Dịch vụ online trở thành một phương thức được ứng dụng rộng rãi nhất. Các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây,  internet vạn vật, thực tế ảo, block chain, trí tuệ nhân tạo khi ứng dụng vào các ngành đã làm thay đổi cơ bản hoạt động của ngành đó. Là ngành nhạy cảm với xã hội, du lịch cần phải triển khai nhanh các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào kinh doanh.

Ông Bình mong muốn thông qua Diễn đàn, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam sẽ nhận được ý kiến trao đổi, các nhận định, chỉ đạo của lãnh đạo ngành, các chuyên gia, các doanh nghiệp lữ hành để ngành du lịch sớm khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho xã hội và sẵn sàng triển khai các kế hoạch phục hồi, phấn đấu sớm đưa du lịch trở lại nhịp độ tăng trưởng của thời kỳ 2016 - 2019 vừa qua.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (Ảnh: TITC)

Diễn đàn diễn ra với hai phiên làm việc có chủ đề “Lữ hành Việt Nam - Giải pháp 2021 và “Lữ hành Việt Nam hướng tới tương lai”. Tại hai phiên làm việc, các đại biểu đã nghe các tham luận như: “Đổi mới phương thức quản lý và kinh doanh lữ hành trong tình hình mới”; “Tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả của chương trình kích cầu du lịch”; “Đổi mới công tác xúc tiến và quảng bá du lịch”; “Đổi mới hoạt động lữ hành quốc tế sau Covid-19, chuẩn bị đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép”; “Nâng tầm du lịch nội địa, đưa du lịch nội địa thành bộ phận chủ lực của du lịch Việt Nam”; “Du lịch Cát Bà - Tiềm năng, cơ hội và giải pháp để sớm trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế”...

Thảo luận tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới, du lịch nội địa vẫn sẽ là hướng ưu tiên trong năm 2021, cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kích cầu, đổi mới sản phẩm, dịch vụ, kích thích nhu cầu đi du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ, đem đến sự hài lòng cho du khách.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng các đồng chí lãnh đạo, đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác tại Diễn đàn (Ảnh: TITC) 

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng bất lợi đến ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cần đổi mới quản trị doanh nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, hiểu đúng đặc điểm, nhu cầu khách hàng, thị trường, hướng tới phát triển bền vững.

Thứ trưởng cũng nhất trí cần tập trung khai thác thị trường nội địa, khuyến khích người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, cung cấp nhiều sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách.

Thứ trưởng cho rằng đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp lữ hành thực hiện tái cơ cấu tổ chức hoạt động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, củng cố xây dựng lực lượng để khi hết dịch có ngay lực lượng làm việc, đáp ứng nhu cầu cao của du khách.

Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh, trong tình hình mới cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tạo thêm nhiều tiện ích cho du khách dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch tiếp tục đồng hành với hoạt động của các doanh nghiệp, tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi du lịch. Hiệp hội Lữ hành là đơn vị bảo vệ hợp pháp quyền lợi doanh nghiệp, cần tập hợp ý kiến các doanh nghiệp để báo cáo, đề xuất lên Lãnh đạo Bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin tưởng với sự liên kết, chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp du lịch sẽ giúp khôi phục ngành và phát triển một cách mạnh mẽ trong thời kỳ mới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam và UBND huyện Cát Hải; giữa Liên minh kích cầu du lịch miền Bắc, Liên minh kích cầu du lịch miền Nam và Flamingo Holding; giữa ba Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng; giữa Câu lạc bộ Du lịch MICE và Tập đoàn Flamingo về phát triển du lịch MICE cho Cát Bà.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn:https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/35332

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!