Tái khởi động kích cầu du lịch: Tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa các nhà cung ứng

18/10/2020
2173

PV: Xin ông cho biết đánh giá của ông về kết quả kích cầu du lịch lần thứ nhất, đặc biệt là kết quả triển khai Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh bình thường mới.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: Triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, ngày 08/5/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL phát động chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, từng bước khôi phục hoạt động du lịch sau dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 8/2020, đã có hơn 30 địa phương trên cả nước đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu, ban hành Kế hoạch kích cầu du lịch (Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Bình Định, Lào Cai, Hà Giang, Nghệ An, Hòa Bình...).

Một số hoạt động kích cầu du lịch tiêu biểu tại các địa phương như: Đà Nẵng tổ chức chương trình “Danang Thank You 2020”; Thừa Thiên Huế tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 “Kết nối lữ hành: Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”; Khánh Hòa tổ chức Chương trình gặp mặt kết nối doanh nghiệp kích cầu du lịch của tỉnh Khánh Hòa và thành phố Hà Nội; Nghệ An tổ chức Hội thảo kích cầu bàn giải pháp thúc đẩy phát triển Du lịch hậu Covid-19...

Sau khi triển khai chương trình kích cầu, trong tháng 6/2020, nhiều địa phương đã ghi nhận lượng khách nội địa tăng mạnh trung bình từ 1,5 - 3 lần so với tháng 5/2020 như: Sa Pa (Lào Cai) tăng 2,65 lần; Cao Bằng tăng 1,2 lần; Hà Nội 3,16 lần; Quảng Ninh tăng 1,7 lần; Sầm Sơn (Thanh Hóa) tăng gấp 2 lần; Quy Nhơn (Bình Định) tăng 2,8 lần; Phú Yên tăng 1,5 lần; Thừa Thiên Huế tăng gấp 2,2 lần; Đồng Tháp tăng 1,2 lần; Phú Quốc tăng 1,68 lần so với tháng 5/2020...

Với kết quả đó, các doanh nghiệp du lịch khởi động lại hoạt động kinh doanh, xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch mới, cung cấp các gói dịch vụ (combo) ưu đãi giảm giá đến 50-60%. Trong tháng 5 và tháng 6, lượng khách mua tour của một số công ty du lịch tăng mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển khách du lịch được phục hồi, đặc biệt là tần suất khai thác của các hãng hàng không tăng cao: Vietnam Airlines đã mở lại 100% các đường bay nội địa, đồng thời đã mở thêm 18 đường bay mới kết nối các trung tâm du lịch của cả nước; tần suất hoạt động trung bình khoảng 400 chuyến bay/ngày, riêng cuối tuần là 450 chuyến bay/ngày. Bamboo Airways trong tháng 5, 6 đã thực hiện 3.116 chuyến bay trên các đường bay nội địa đến gần 20 tỉnh, thành là các trung tâm du lịch, công suất chuyên chở tăng nhanh, đạt khoảng 80%. Vietjet Air trong tháng 5 đã thực hiện khoảng 8.000 chuyến bay với 45 đường bay trong nước, gần bằng 100% so với trước dịch.

PV: Tổng Cục Du lịch có kế hoạch gì để tái kích cầu du lịch trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Ngày 18/9/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 3455/BVHTTDL-TCDL kêu gọi sự vào cuộc, tham gia của các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020, trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa mở cửa trở lại. Chương trình sẽ tập trung 2 nội dung (hướng theo chủ đề: Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn):

Thực hiện đảm bảo an toàn, đẩy mạnh truyền thông về an toàn phòng chống dịch bệnh. Khi dịch bùng phát lần 2, du khách có tâm lý rất e ngại du lịch vì lo sợ đảm bảo an toàn dịch bệnh. Vì vậy cùng các gói kích cầu du lịch thì công tác đảm bảo an toàn, đẩy mạnh truyền thông xóa bỏ tâm lý e ngại của khách khi đi du lịch cần được quan tâm hơn.

Yêu cầu tiếp tục có sự liên kết giữa các nhà cung ứng dịch vụ hình thành nên các sản phẩm mới, chất lượng, giá cả hợp lý thực sự hấp dẫn để thu hút khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Các sản phẩm bao gồm: Sản phẩm nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và du lịch khuyến thưởng cuối năm (MICE)...

Một trong những mục tiêu cần hướng tới trong nội dung tái kích cầu du lịch đó là bên cạnh đối tượng khách là người Việt Nam như giai đoạn trước, thời gian tới, sẽ chú trọng thêm đối tượng khách là người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Đây có thể là những đại sứ du lịch an toàn, hấp dẫn của Việt Nam đối với thị trường khách quốc tế.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng chú ý đến các yếu tố đảm bảo kích cầu hiệu quả, đó là: Cần tiếp tục phát huy các liên minh ở giai đoạn trước, tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa các nhà cung ứng, các đối tác tạo nên liên minh kích cầu để có các gói kích cầu hấp dẫn, sản phẩm phù hợp nhu cầu khách, đi kèm cam kết về giá và chất lượng; Cần thu hút sự vào cuộc, ủng hộ của các cơ quan truyền thông, xóa bỏ tâm lý e ngại dịch bệnh khi đi du lịch cũng như giới thiệu rộng rãi về các sản phẩm, gói kích cầu; Sự vào cuộc mạnh mẽ của các trung tâm động lực phát triển du lịch, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn là những đầu tàu định hướng tiêu dùng cũng như kích cầu du lịch toàn quốc.

Ngành du lịch Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển du lịch nội địa trong trường hợp Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh nhưng các nước trên thế giới thì chưa. (ảnh minh họa: BT)

Chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 sẽ khắc phục một số vấn đề xảy ra ở giai đoạn trước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu sự chủ động vào cuộc của các địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát cạnh tranh lành mạnh, thực hiện đúng cam kết về giá và chất lượng, có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch. Bên cạnh đó chủ động kiểm tra, xử lý nghiêm để đảm bảo việc tuân thủ các quy định an toàn phòng chống dịch bệnh tại các điểm đến, các doanh nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên giai đoạn này kích cầu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn trước. Thứ nhất là từ nay đến hết năm thông thường là mùa thấp điểm của du lịch nội địa (học sinh đi học, thời tiết bước vào mùa đông ở miền Bắc, ảnh hưởng nhiều tới hoạt động nghỉ dưỡng các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung); Thứ hai do dịch bệnh kéo dài, nhiều lĩnh vực sản xuất bị thu hẹp, đình trệ, thu nhập người lao động bị giảm, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng rất lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân; Thứ ba cộng đồng doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi covid-19, ảnh hưởng rất nhiều tới việc đảm bảo chất lượng, dịch vụ phục vụ khách du lịch cũng như nguồn lực để áp dụng chính sách ưu đãi thu hút khách.

PV: Theo ông, hướng đi nào là phù hợp nhất đối với ngành Du lịch Việt Nam trong trường hợp Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh nhưng các nước trên thế giới thì chưa?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Trong trường hợp Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh nhưng chưa mở cửa được du lịch quốc tế, ngành du lịch Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển du lịch nội địa, để không chỉ tăng lượng khách Việt Nam đi du lịch nội địa, khách nước ngoài đang ở tại Việt Nam mà còn tận dụng được nguồn khách du lịch outbound, vốn là lượng khách có mức tăng hàng năm và chi tiêu cao. Theo kết quả điều tra khách du lịch nội địa năm 2019, khách du lịch tại điểm đến có chi tiêu ngoài tour chiếm 25% tổng chi của khách du lịch, ước tính khoảng 1,66 triệu đồng/khách.

Tổng cục Du lịch định hướng các địa phương và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản phẩm mới, hấp dẫn để thay đổi quan niệm đi du lịch của khách du lịch trong nước vì hiện nay khái niệm đi du lịch của người Việt Nam vẫn còn gắn với “nghỉ hè, nghỉ mát, đi biển” nên dễ tạo ra tính thời vụ, nhất là ở các tỉnh ven biển phía Bắc. Xây dựng những sản phẩm du lịch “trái mùa” như tham quan mùa thu Hà Nội, nghỉ dưỡng biển mùa đông ở Cát Bà, khám phá Tây Bắc, Sapa vào mùa đông cho khách du lịch phía Nam và tương tự như vậy cho khách du lịch miền Bắc vào miền Trung và miền Nam để các doanh nghiệp và các điểm đến có việc làm và thu nhập quanh năm. Tổng cục Du lịch đẩy mạnh các hoạt động tăng cường liên kết giữa các điểm đến, các hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển và cung cấp dịch vụ liên quan nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những gói sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Bên cạnh việc tập trung kích cầu du lịch nội địa, ngành Du lịch tập trung truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Việt Nam tăng cường marketing kỹ thuật số: hoàn thiện và đồng bộ hóa các công cụ, hệ sinh thái số xúc tiến du lịch gồm website/cổng thông tin điện tử/nền tảng đặt dịch vụ trực tuyến, mạng xã hội, ứng dụng di động. Tổ chức xây dựng các clip quảng bá du lịch Việt Nam an toàn giữa mùa Covid để quảng bá trên CNN, mạng xã hội của Trung Quốc, Hàn Quốc…

Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục cơ cấu lại thị trường khách, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với tâm lý nhu cầu khách du lịch đã có sự thay đổi do tác động của Covid-19, tập trung truyền thông quảng bá Du lịch Việt Nam an toàn và hấp dẫn thu hút các thị trường nguồn khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam ngay sau khi thế giới khống chế được dịch bệnh.

Bảo Thoa (thực hiện)

Nguồn: http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/34450

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!