Sông nước miền Tây rộn ràng ngày giáp Tết

01/02/2022
973

Bà con vẫn chuộng đi chợ Tết bằng vỏ, xuồng vì thuận tiện đi trong các kinh, rạch, đi được nhiều người và chở được nhiều đồ. Vả lại, đi bằng xuồng, vỏ có thể len lách trong các con rạch, kinh nhỏ, rút ngắn khoảng cách.

Bến chợ Vĩnh Tuy ngày giáp Tết chật kín xuồng, vỏ lãi.

Ông Nguyễn Văn Hải, người dân xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, cho biết: Mấy ngày giáp Tết, cần phải mua nhiều hàng hóa, đồ đạc để vui Xuân nên ông chọn phương tiện vỏ lãi cho tiện. Ông có thể mua cả chục chậu bông, lỉnh kỉnh đồ ăn Tết mà vẫn chở an toàn về nhà.

Những đứa trẻ theo cha mẹ đi chợ Tết rất vui và háo hức. Nhiều em được “cắt cử” ngồi giữ vỏ cho cha mẹ an tâm đi chợ.

Lướt sóng nước “mang Tết" về nhà.

Đón mẹ đi chợ Tết về.

Miền sông nước, dễ dàng gặp những chiếc ghe bông len lỏi kinh, rạch đi bán phục vụ bà con.

Những bến sông dập dìu người bán bông Tết, khiến những ngày giáp Tết miền sông nước thêm rộn ràng.

Anh Nguyễn Sê Ri, người dân xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, vừa chạy vỏ đi chợ mua bông chưng Tết về tới bến nhà, rinh hai chậu vạn thọ lên bờ. Anh nói rằng, ngày Tết, có vài chậu bông chưng cho “vui nhà vui cửa”.

Với bà con miền sông nước, phương tiện thủy là “đôi chân”, cũng là bạn đồng hành ý nghĩa, phục vụ thiết thực chuyện sinh hoạt, làm ăn. Vì vậy, bà con không quên mua bông chưng cho ghe, xuồng, vỏ… trong những ngày Tết.

Nhiều người đi chợ bằng xe máy vẫn phải qua sông bằng đò do đặc thù địa hình sông nước. Đò đưa ngày Tết phải tăng công suất và chủ đò không quên chưng cành mai vàng trước mũi đò biểu thị niềm vui và sự may mắn của mùa Xuân.

DUY KHÔI

 

 

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!