Số hóa du lịch: Tăng khả năng ‘sống sót’ trong khủng hoảng

13/08/2021
1168

Điểm nhấn số hóa du lịch

Một điểm nhấn trong lĩnh vực này là việc số hóa đường hoa Nguyễn Huệ tại TPHCM dịp Tết Tân Sửu 2021. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, dự án số hóa đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ mang lại những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo mà còn giúp người dân mọi miền đất nước dù không đến tận nơi vẫn có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu thông tin về đường hoa thông qua các nền tảng kỹ thuật số như Youtube, Facebook của đường hoa Nguyễn Huệ, Saigontourist và AGS.

Đường hoa Nguyễn Huệ tại TPHCM dịp Tết Tân Sửu 2021 được số hóa. Ảnh internet

Trong khuôn khổ dự án này, các hạng mục được triển khai gồm: Dựng bản đồ 2D và quét 3D Đường hoa bằng máy bay không người lái (drone); Livestream 360˚; Livestream toàn cảnh; Video 360˚ và VR Tour trải nghiệm Đường hoa; Video timelapse toàn cảnh diễn biến xây dựng đường hoa.

Dự án số hóa đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 giúp người dân thưởng ngoạn đường hoa từ xa, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, góp phần tạo diện mạo mới cho ngành du lịch Thành phố.

Sở Du lịch TPHCM cho biết, trong năm 2021, đơn vị sẽ nghiên cứu, thực hiện số hóa các điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR Code tương tác tại 100 điểm tham quan, bảo tàng, di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu trải nghiệm và khám phá của du khách, Sở Du lịch tỉnh đã triển khai ứng dụng mã quét QR để tra cứu thông tin về điểm đến một cách dễ dàng. Theo đó, chỉ cần dùng điện thoại thông minh có kết nối wifi hoặc 3G, 4G quét mã QR, du khách sẽ có đầy đủ các thông tin chính thống về 48 điểm đến, khu di tích, danh thắng trên địa bàn để tự do tham quan, vui chơi…

Theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nguồn nhân lực ngành du lịch của tỉnh, đặc biệt là hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm, còn thiếu và yếu về cả số lượng lẫn chất lượng. Trong khi đó, phần lớn các điểm đến du lịch đều thiếu những giải pháp công nghệ nhằm truyền tải ý nghĩa, giá trị điểm đến tới du khách, không phát huy được hết giá trị của điểm đến. Các hướng dẫn viên hiện nay chủ yếu phục vụ các đối tượng khách trong nước và khách nói tiếng Anh, trong khi việc thuyết minh cho nhóm khách chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… vẫn chưa có nhiều. Do đó, việc ứng dụng công nghệ vào việc truyền tải câu chuyện sẽ cho phép giới thiệu đến du khách nhiều thông tin sống động hơn về mặt hình ảnh, âm thanh, video, clip… chứ không chỉ gói gọn trong thuyết minh từ người kể chuyện.

Nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch

Có thể thấy, số hóa du lịch góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá thông qua đẩy mạnh marketing bằng công nghệ; tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển điểm đến.

Trong đại dịch COVID-19, việc số hóa du lịch giúp thỏa mãn "cơn khát" của những tín đồ ưa xê dịch trên toàn cầu. Nắm được thế mạnh này, thời gian qua, nhiều quốc gia đã dành sự nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ cho du lịch ảo. Nhiều công ty du lịch nổi tiếng xây dựng những tua du lịch ảo hấp dẫn. Tại Nhật Bản, kể từ khi hạn chế đi lại vì dịch bệnh, lượng đặt các tua du lịch ảo đã tăng lên khoảng 50%. Mới đây, công ty First Airlines ra mắt tour du lịch ảo trong mô hình máy bay. Theo đó, du khách được tiếp đón trong khoang hạng nhất với đồ ăn, nước uống và thông qua kính thực tế ảo, họ được đặt chân tới những thành phố du lịch tuyệt vời tại Italia, Mỹ, Pháp… Khả năng mang đến sự tự do trong trải nghiệm với những hình ảnh đẹp mắt, kết hợp tính an toàn cao là những ưu điểm của số hóa du lịch.

Bên cạnh đó, số hóa du lịch bên cạnh thế mạnh mang đến những trải nghiệm chân thực còn là kênh quảng bá hữu hiệu cho điểm đến, giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng bán các tour du lịch truyền thống từ việc kích thích nhu cầu được đến và trải nghiệm trong thực tế của du khách. Đây cũng là một phao cứu sinh giúp doanh nghiệp, các điểm đến “sống sót” sau đại dịch.

Tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL đang xây dựng chính sách có tính đột phá trong phát triển du lịch thông minh, du lịch số, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai các chính sách, đáp ứng yêu cầu đồng bộ để phát triển du lịch thông minh, du lịch số trên phạm vi cả nước. Trước mắt ưu tiên phát triển du lịch thông minh ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và TP. Huế.

Đồng thời sẽ xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch số, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đến năm 2045 thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch số. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu như: Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số du lịch Việt Nam; ứng dụng công nghệ CMCN lần thứ 4 nâng cao trải nghiệm của khách du lịch; nâng cấp các kênh truyền thông trên nền tảng số của Tổng cục Du lịch; xây dựng phần mềm (app) sử dụng phục vụ tổ chức hội nghị trực tuyến; phát triển các nền tảng số kết nối liên thông hệ thống thông tin phục vụ điều hành, quản lý nhà nước về du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, với tinh thần chủ động tiếp cận CMCN lần thứ 4, Tổng cục Du lịch đã tập trung tạo dựng nền tảng cho chuyển đổi số trong ngành. Đến nay đã hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch. Phối hợp với các bên liên quan phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở và các ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch…

Nhật Thy

Nguồn: Báo chính phủ

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!