Phát triển du lịch bền vững

10/12/2021
927

Các em nhỏ trải nghiệm ở Phan Nam Farm. (Ảnh chụp trước dịch). 

Mô hình du lịch xanh

Khảo sát từ Booking.com trong năm 2021 về nhu cầu của du khách cho thấy du khách Việt Nam đang ngày càng nâng cao nhận thức về môi trường và du lịch. 97% du khách Việt Nam cho rằng du lịch bền vững là cực kỳ quan trọng, 88% nhìn nhận đại dịch COVID-19 khiến họ theo đuổi du lịch bền vững trong tương lai. Do đó, các đơn vị làm du lịch cần nắm bắt tâm lý này để có những định hướng xây dựng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Chính phủ cũng đã phê duyệt việc lập Quy hoạch hệ thống du lịch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó hướng tới phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Với định hướng trên, phát triển du lịch phải đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Trên cơ sở này, nhiều loại hình du lịch với mục tiêu phát triển bền vững đã hình thành và phát triển như: du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp… Ðiểm nổi bật của các loại hình du lịch này là sự kết nối mật thiết với cộng đồng địa phương, mang lại nhiều lợi ích trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa.

Một trong những mô hình du lịch xanh, có trách nhiệm hiệu quả tại Việt Nam là hành trình trải nghiệm khám phá của Oxalis Adventure tại hệ thống hang động ở Quảng Bình. Các tour có lượng khách giới hạn trong mỗi chuyến và có những quy định rõ ràng về bảo vệ thiên nhiên, các loài hoang dã trên hành trình. Giá của các tour này thường rất cao nhưng vẫn được nhiều du khách ưa thích lựa chọn và phải đặt trước nhiều tháng. Thực tế, giá tour cao bởi các chi phí này được chi trả cho các hoạt động bảo vệ môi trường, cũng như cho cộng đồng làm du lịch tại địa phương. Các tour trải nghiệm của Oxalis Adventure không chỉ thân thiện môi trường mà còn có quy trình khép kín, phù hợp bối cảnh du lịch thích ứng với COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó, các tour trải nghiệm của Oxalis Adventure đã được UBND tỉnh Quảng Bình lựa chọn để mở đầu cho việc kích hoạt du lịch trở lại khi đón những đoàn khách ngoại tỉnh đầu tiên đến Quảng Bình vào tháng 10 vừa qua.

Lựa chọn phát triển theo định hướng du lịch xanh, bền vững, Quảng Nam có kế hoạch Phát triển du lịch xanh đến năm 2025. Trong đó, các yếu tố quan trọng được nhấn mạnh là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, văn hóa cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên. Ðồng thời, địa phương cũng đề ra mỗi năm xây dựng ít nhất một mô hình kiểu mẫu theo bộ tiêu chí du lịch xanh, đến năm 2025 xây dựng khoảng 10-20 mô hình. Cho nên, Quảng Nam đang dần chuyển hướng đến việc phát triển du lịch xanh và xem đây như một giải pháp bảo tồn bền vững những giá trị của lịch sử và thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Ðến nay, Quảng Nam đã hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ theo mô hình du lịch xanh do các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư. Trong đó, nổi bật có các điểm đến: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Hội An), làng rau Trà Quế, Thanh Ðông (Hội An), vùng sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên), du lịch cộng đồng nhà vườn Triêm Tây, làng du lịch cộng đồng Gò Nổi (Ðiện Bàn), rừng dừa Bảy Mẫu (Hội An)…

Ða dạng loại hình du lịch xanh, bền vững

Với nhiều trải nghiệm đa dạng và gần gũi thiên nhiên, Quảng Nam trở thành điểm đến được nhiều du khách quốc tế yêu thích. Ðây cũng là một trong 5 địa phương được Chính phủ chọn thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 1. Vào tháng 11 vừa qua, Quảng Nam cũng đã đón những đoàn khách khách quốc tế đầu tiên. Trên cơ sở này, Quảng Nam đang hoàn thiện, nâng cao chất lượng các điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch; xây dựng các gói sản phẩm du lịch an toàn, tuyến du lịch xanh, trong đó tập trung vào sản phẩm du lịch xanh, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, golf, trải nghiệm và nghỉ dưỡng, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động du lịch hướng tới khu vực miền núi và nông thôn. Ðiều này cũng góp phần chuẩn bị cho sự kiện Năm du lịch quốc gia 2022 dự kiến sẽ tổ chức ở Quảng Nam. Trong đó “Bảo tồn di sản gắn với du lịch xanh” là một trong 3 chủ đề được đẩy mạnh quảng bá với nhiều hoạt động: diễn đàn du lịch xanh, hội chợ du lịch xanh, dự án nghệ thuật công viên rác thải biển…

Rừng dừa Bảy Mẫu (ở Hội An, Quảng Nam) thu hút du khách quốc tế. (Ảnh chụp trước dịch). 

Tại ÐBSCL, du lịch phát triển theo hướng bền vững thường tập trung ở hai loại hình: du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp. Theo đó, du lịch nông nghiệp phát triển mạnh những năm gần đây ở An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang… Loại hình du lịch này thường được kết hợp với giáo dục, nhằm tạo ra quy trình cân bằng, trong đó hướng con người đến mục tiêu gần gũi thiên nhiên, bảo vệ môi trường và gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa. Cụ thể, tại Phan Nam Farm (An Giang) các trải nghiệm về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao được đơn vị phối hợp với các trường học tại địa phương, nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh tìm hiểu về quá trình làm nông nghiệp truyền thống đến hiện đại. Trong khi đó, tại Bảo Gia Farm Camping (Hậu Giang) chương trình trải nghiệm mở rộng hơn. Nó không chỉ dành cho học sinh trên địa bàn mà mở rộng các tỉnh, thành khác, trong đó có nhiều chương trình trải nghiệm kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa cultural exchange (trao đổi giao lưu văn hóa Việt Nam và quốc tế), chuyện của nghề qua những workshop (khóa học chủ đề về làm sản phẩm thủ công, truyền thống).

Du lịch phát triển theo hướng bền vững, đặc biệt du lịch xanh, có trách nhiệm đang trở thành xu hướng chung của thế giới, nhất là sau dịch COVID-19, con người ngày càng có xu hướng tìm về với thiên nhiên hơn. Mới đây, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã kêu gọi phục hồi hoạt động du lịch xanh và toàn diện, khi du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Theo đó, Tổng Thư ký Antonio Guterres đề cao vai trò của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) trong việc định hình lại du lịch và sự tương tác của du lịch đối với xã hội, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái khi lĩnh vực này tái khởi động và phục hồi sau đại dịch. Ðồng thời nhấn mạnh đến việc xây dựng du lịch theo hướng bền vững, đóng góp vào khả năng phục hồi, bảo vệ hành tinh và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc vì sự phát triển bền vững.

Du lịch phát triển theo hướng bền vững không đơn thuần chỉ là xu hướng mà còn là nhận thức và trách nhiệm của con người trước tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Do đó, ngày càng có nhiều địa phương, các đơn vị hoạt động du lịch lựa chọn phát triển du lịch theo hướng này, không chỉ tạo ra những sản phẩm khác biệt mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống, nâng cao ý thức cộng đồng.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Nguồn: Báo Cần Thơ

 

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!