Đòn bẩy thay đổi diện mạo du lịch vùng ĐBSCL

30/01/2021
2383

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phát biểu tại Hội nghị Tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2020, vừa diễn ra tại Đồng Tháp. 

Một năm đầy khó khăn

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: 2020 là năm đầy khó khăn bởi dịch COVID-19, trong đó ngành Du lịch chịu ảnh hưởng trực diện. Số lượng khách và doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, kéo theo sự giảm sâu trong tăng trưởng của ngành Du lịch, đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành. Tổng khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 17 triệu lượt, giảm đến 66,6% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó khách quốc tế chỉ đạt khoảng 1,3 triệu lượt (chủ yếu khách đến trong 3 tháng đầu năm 2020), giảm gần 85%. Tổng thu từ du lịch chỉ đạt trên 84.500 tỉ đồng, giảm 39,6%.

Tương tự, du lịch ở ÐBSCL cũng sụt giảm mạnh. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, thông tin rằng, khách du lịch của vùng chỉ đạt gần 28,5 triệu lượt, giảm trên 38%, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỉ đồng, giảm gần 48,3%. Các doanh nghiệp lữ hành phải chịu tác động kép: giảm khách và bồi thường hợp đồng bị hủy. Hệ lụy kéo theo là các ngành dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng… đều khó khăn. Một số đơn vị có lượng khách và doanh thu giảm 95-100% so với cùng kỳ năm 2019, nên nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa.

Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn nhưng các địa phương cùng doanh nghiệp du lịch vẫn chủ động, linh hoạt và nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp không khói, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Năm 2020, các doanh nghiệp lữ hành của TP Hồ Chí Minh đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch kích cầu từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành ÐBSCL. Trên cơ sở định hướng 3 tuyến điểm mới là Non nước hữu tình, Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biên; các doanh nghiệp du lịch đã khảo sát 126 tuyến điểm, 31 khách sạn, resort, homestay, farmstay… Từ đó phát huy thế mạnh sản phẩm đặc trưng mỗi địa phương, hình thành chuỗi liên kết đặc biệt. Hiện nay, các đơn vị phối hợp với các địa phương khảo sát và xây dựng sản phẩm, kết nối khai thác đến các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre trên tuyến Non nước hữu tình; riêng hai tuyến còn lại vì ảnh hưởng dịch COVID-19 vẫn chưa kết nối khai thác.

Thỏa thuận liên kết hợp tác 14 tỉnh, thành cũng xác định vùng sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất cả nước và khu vực; đồng thời xác định xây dựng thương hiệu du lịch vùng với giá trị cốt lõi là: đa dạng, độc đáo, hài hòa, bền vững, trong đó giá trị bản sắc thương hiệu: an toàn, thân thiện, ngọt ngào, mến khách, văn minh, sắc màu, sống động. Ngoài ra cũng tích cực đẩy mạnh công tác đào nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá du lịch và kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, các hoạt động vẫn gặp khó vì ảnh hưởng trực tiếp từ COVID-19.

Định hướng và các giải pháp

Thực tế đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành Du lịch và hoạt động liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL trong năm 2021. Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng cần phải có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch trong việc định hướng xây dựng sản phẩm: “Chúng ta phải hiểu thị trường mới cung được sản phẩm phù hợp và được du khách chọn mua. Từ đó mới thúc đẩy sự phát triển du lịch của vùng”. Từ thực tế diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng phải tập trung vào thị trường du lịch nội địa để thúc đẩy việc khôi phục ngành công nghiệp không khói, phải dự báo được tình hình để kịp thời xây dựng những chương trình kích cầu phù hợp, đúng thời điểm và hiệu quả.

Thế mạnh đặc trưng du lịch của mỗi địa phương đang được khai thác trong liên kết. Trong ảnh: Làng hoa ở Đồng Tháp được đẩy mạnh khai thác du lịch. 

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho rằng các doanh nghiệp lữ hành, các khu điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch cần đánh giá các sản phẩm liên kết vùng đã triển khai, cũng như việc thực hiện các chính sách kích cầu du lịch; kịp thời nêu lên những vướng mắc cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương để cùng tháo gỡ, tránh sự đứt gãy trong chuỗi giá trị, thiếu sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. Tổ giúp việc liên kết vùng phát huy trách nhiệm, chủ động nắm bắt tình hình và tham mưu kịp thời các vấn đề và giải pháp cho UBND các tỉnh, thành trong vùng liên kết. Trên cơ sở thương hiệu du lịch vùng đã thống nhất, cần bắt đầu phát triển truyền thông nhận diện thương hiệu; cần có sự chuẩn bị cho lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, theo dõi tình hình dịch bệnh tại các nước là thị trường trọng điểm; kết hợp với các đơn vị phân tích dữ liệu quốc tế để nắm bắt kịp thời tâm lý của du khách quốc tế. Ðối với những quốc gia đã có sự kiểm soát tốt dịch bệnh, cần có kế hoạch quảng bá để du khách biết đến TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL là vùng du lịch an toàn, sôi động. Trong đó, TP Hồ Chí Minh cần phát huy tối đa vai trò đầu mối, trở thành điểm nhận khách đến và đưa về các địa phương thông qua các chương trình tour liên kết. Vùng cũng xác định rõ các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Nha Trang… để có những định hướng hoạt động xúc tiến, quảng bá phù hợp. Các doanh nghiệp du lịch lớn, đầu tàu như: Saigontourist, BenThanh Tourist, Vietravel... cần xúc tiến rộng hơn các chương trình liên kết và đầu tư điểm đến trong chùm tour hoạt động hiệu quả hơn, nhằm tạo sức lan tỏa, động viên những doanh nghiệp khác cùng thực hiện, góp phần tăng lượt khách đến với TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng: Liên kết, hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL là một sáng kiến và mô hình mới trong việc điều hành các liên kết. Liên kết này ngày càng đi vào thực chất khi tập trung thông tin về tình hình phát triển, đầu tư du lịch, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò đầu tàu, tạo sự kết nối và các cơ hội thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đem đến cho du khách những trải nghiệm và sản phẩm mới độc đáo của du lịch phía Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn những diễn biến phức tạp, các địa phương cần tập trung quản lý điểm đến, xúc tiến và quảng bá chủ động gắn với chuyển đổi số, tăng cường quảng bá du lịch trên các trang web, phương tiện truyền thông, app du lịch, mạng xã hội… để lan tỏa hình ảnh du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ÐBSCL; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép.

Du lịch đã và đang phải chịu nhiều khó khăn trong tình hình COVID-19 vẫn còn phức tạp. Tuy nhiên, liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ÐBSCL vẫn có sự kết nối chặt chẽ và phát huy hiệu quả. Từ đó từng bước định hướng những lộ trình phù hợp, thích nghi theo từng giai đoạn và trên cơ sở tiềm năng của mỗi địa phương. Kết quả bước đầu có lẽ vẫn chưa như kỳ vọng bởi nhiều yếu tố tác động, trong đó có dịch bệnh, nhưng đây là một liên kết nhiều tiềm năng vì có những chương trình hành động với những nhiệm vụ cụ thể được định ra cho từng thành viên trong hội đồng liên kết vùng. Trong đó có sự kết nối chặt chẽ để kịp thời giải quyết những khó khăn, tập trung tháo gỡ những vấn đề, điểm nghẽn, tạo sự đồng thuận cao giữa các địa phương. Ðây là nền tảng để thay đổi và đòn bẩy cho du lịch phía Nam nói chung và các tỉnh, thành ÐBSCL nói riêng.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Nguồn:https://baocantho.com.vn/don-bay-thay-doi-dien-mao-du-lich-vung-dbscl-a129878.html

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!