Thông báo, tuyên truyền Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Đại danh y, nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc Việt Nam

07/01/2025
639

Nhằm tôn vinh, tri ân công lao, cống hiến to lớn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn hóa, lịch sử Việt Nam và thế giới, khẳng định những giá trị tư tưởng, di sản vượt thời gian mà bậc danh nhân đã để lại cho hậu thế; thông qua đó tuyên truyền giáo dục, bồi đắp truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ hôm nay, Trung tâm Phát triển Du lịch trân trọng gửi tới bạn đọc Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024).

I. TÓM TẮT TIỂU SỬ CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC

 Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (còn có tên là Lê Hữu Huân) sinh năm Giáp Thìn 1724 tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Dòng tộc Lê Hữu nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt làm quan dưới thời Hậu Lê; trong đó thân phụ Ông là Lê Hữu Mưu (1675 - 1739), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Công, Nhập thị kinh diên, được phong tước Phu Đình Bá, sau khi mất được truy tặng hàm Thượng thư; thân mẫu là Bùi Thị Thưởng, là vợ thứ, con gái tướng công Bùi Diệm Đăng, quê xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm (nay là thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con út trong gia đình có 7 anh em nên thường được gọi là Cậu Chiêu Bảy.

Thuở nhỏ Lê Hữu Trác nổi tiếng học giỏi, năm 16 tuổi thân phụ qua đời nên Ông phải rời Kinh thành về quê chịu tang cha và trông nom gia đình. Tại quê nhà, Lê Hữu Trác chăm lo đèn sách để tiến thân bằng khoa cử, nhưng chỉ thi đến bậc Sinh đồ rồi nghỉ. Bấy giờ xã hội rối ren, Ông bắt đầu nghiên cứu binh thư, luyện tập võ nghệ và gia nhập quân đội. Tuy nhiên, sau mấy năm chinh chiến, thấy cảnh binh đao gây ra nhiều đau thương cho người dân, nên Ông muốn rời khỏi quân đội, nhiều lần từ chối sự đề bạt thăng thưởng.

Năm 1746, sau khi người anh cả mất, Lê Hữu Trác viện cớ xin rời khỏi quân ngũ để chăm mẹ già và các cháu nhỏ mồ côi ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Do đau yếu triền miên, Lê Hữu Trác đến nhà thầy thuốc Trần Độc ở Thành Sơn chữa bệnh; trong dịp này, Ông được đọc sách "Phùng Thị cẩm nang" của Phùng Triệu Trương - danh y dưới triều nhà Thanh (Trung Hoa). Qua bàn luận, nhận thấy Lê Hữu Trác là người am hiểu lý luận âm dương của nghề thuốc, thầy Trần Độc đã truyền dạy nghề thuốc cho Ông. Từ đó, Lê Hữu Trác chuyên tâm học nghề làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

Năm 1758, Lê Hữu Trác lên Kinh thành Thăng Long nhằm trau dồi nghề nghiệp nhưng không tìm được thầy giỏi nên quay về đọc sách, nghiên cứu y dược. 1Trần Độc, người làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, là người học rộng văn hay, đậu hương tiến nhưng thi mãi không đậu đại khoa; vì thế bỏ cử nghiệp về ở ẩn tại Thành Sơn, chuyên tâm chữa bệnh cứu người.

Trong thời gian này, Ông tiếp tục nghiên cứu, hiểu được Dịch lý, Âm dương trong kinh điển y học "Phùng Thị cẩm nang". Nhờ đó, Ông đã chữa khỏi bệnh cho hai người con gái của Ông và bắt đầu chữa bệnh cho những người trong họ, trong làng. Ít năm sau, Lê Hữu Trác chính thức hành nghề thuốc, chữa bệnh, dạy học trò, nghiên cứu sách y học, trao đổi lý luận, biên soạn và hoàn thành cơ bản bộ sách Lãn Ông tâm lĩnh vào năm 1770.

Năm 1782, tiếng tăm thầy thuốc Hải Thượng Lãn Ông đã truyền tới Kinh thành, chúa Trịnh triệu Lê Hữu Trác về Kinh để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Nhiều quan đại thần, danh sĩ tìm đến nhờ Lê Hữu Trác chữa bệnh, kê đơn thuốc và giao lưu thơ ca. Tuy các bài thuốc của Ông có hiệu nghiệm nhưng do sự đố kỵ của các Ngự y thời đó, cộng thêm bệnh tình của chúa và thế tử đều đã rất nặng nên Ông không chắc chắn là chữa khỏi được. Vì vậy, Lê Hữu Trác đã tìm mọi cách để cáo lui, về quê. Trong chuyến đi này, Lê Hữu Trác đã viết cuốn Thượng Kinh ký sự.

Trở về quê mẹ, Lê Hữu Trác tiếp tục hành nghề thuốc, biên soạn và hoàn thiện bộ sách Lãn Ông tâm lĩnh. Lê Hữu Trác mất vào ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791). Sau khi qua đời, các bài thuốc và sách của Lê Hữu Trác đều được lưu truyền, sử dụng rộng rãi; các di sản y học, văn học, y đức của Ông được nhiều thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao và học tập, noi theo. Với những công lao, cống hiến to lớn đối với nền y học Việt Nam và thế giới, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025".

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC ĐỐI VỚI NỀN Y HỌC, VĂN HỌC, VĂN HÓA DÂN TỘC

1. Lê Hữu Trác - Danh y lỗi lạc trong nền y học dân tộc

1.1. Tấm gương sáng ngời, mẫu mực về y đức

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người đầu tiên đưa ra những quan điểm mới về y đức trong lịch sử y học Việt Nam và y đức cũng là một trong những tư tưởng lớn nhất được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của Ông (trong bài Y huấn cách ngôn và các tập Dương án, Âm án, Y lý thâu nhàn, Thượng Kinh ký sự). Lê Hữu Trác luôn coi nghề y là một nhân thuật - một nghệ thuật của lòng thương người và trách nhiệm đối với bệnh nhân. Theo Ông, một thầy thuốc giỏi không chỉ cần có kiến thức y học sâu rộng mà cần phải có tấm lòng từ bi, biết cảm thông và chia sẻ với nỗi đau của người bệnh. Đây là một tư tưởng hết sức tiến bộ và nhân văn, nhấn mạnh việc người thầy thuốc phải luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết, phải xem việc cứu người là sứ mệnh cao cả chứ không phải là một nghề 5 nghiệp chỉ để vụ lợi, kiếm sống. Tư tưởng này đã góp phần quan trọng xây dựng nên nền tảng y đức của y học Việt Nam.

Ngay trong bài giảng đầu tiên về phương pháp làm nghề y (Y nghiệp thần chương), Lê Hữu Trác đã viết: "Nghề làm thuốc tức là một nghề cầm cái sinh mệnh của con người ở trong tay mình. Nhưng đối với các y giả ở đời, phần nhiều coi là một nghề rất dễ, riêng ta đây thời lại coi là một nghề rất khó… Vả chăng, ta tuy chuyên theo về nghề làm thuốc nhưng thực ra thời cũng không ham đi chữa bệnh. Vì chỉ e rằng đi chữa cho nhiều người, thời sẽ bị nhầm nhiều, bị nhầm nhiều thời sẽ bị âm báo nhiều. Như thế thời chẳng có khác gì cầu lấy phúc mà lại rước lấy tội. Bởi thế nên không bày tủ thuốc, không sắm dao cầu, không mong ai mời, chẳng cầu ai tạ".

Ông cho rằng người thầy thuốc là người bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân do vậy cần phải siêng năng, chịu khó học tập, bồi đắp kiến thức thường xuyên liên tục mới có thể hành nghề mà không dẫn đến sai sót trong chuyên môn. Trong Y huấn cách ngôn, Hải Thượng Lãn Ông bày tỏ: “Khi học nghề y, phải nên thấu suốt cả nho lý. Một khi đã thông lý đạo nho rồi, thì học y sẽ được dễ dàng hơn. Khi nhàn rỗi, đem các sách của các bậc minh y cổ kim ra đọc luôn không rời tay, tìm hiểu cặn kẽ từng nét cho sáng tỏ rõ ràng, cho nhuần nhuyễn nhậy bén. Lượm được vào lòng, sáng hiểu ở mặt nhận xét, tự nhiên [Khi làm sẽ] cảm ứng ra tay, mà không có sự sai lệch” . Khẳng định vai trò của người thầy thuốc trước người bệnh rất quan trọng, đặc biệt trong những tình huống nguy cấp, người bệnh cần sự giúp đỡ của người thầy thuốc thì phải luôn sẵn sàng có mặt; không nên chỉ vì những thú vui tầm thường của người thầy thuốc mà gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Ông cho rằng: “Đạo y là một nhân thuật, chuyên lo cho tính mệnh con người, phải biết lo lắng cái lo của người, cùng vui với cái vui của người, chỉ lấy việc làm sống người làm phận sự của mình, không được mưu lợi, kể công".

Hải Thượng Lãn Ông nêu rõ và yêu cầu những phẩm chất cần có của người thầy thuốc”Nhân là một đức tính cơ bản của người làm nghề y. Đức tính cơ bản ấy là điều kiện tiên quyết để vào nghề y; nếu không có lòng nhân, không biết quan tâm đến người khác thì nên đi kiếm sống bằng nghề khác”. Theo Ông: “Đạo làm thuốc là một học thuật cao quý để giữ gìn mạng sống, cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính”; “không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người”; “không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Ông quyết liệt phê phán việc “đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán”; vì vậy, “người thầy thuốc luôn phải trau dồi y đức” và yêu cầu người thầy thuốc cần có 8 đức tính, được gói gọn trong 8 chữ: “Nhân” (nhân từ), Minh (sáng suốt), Đức (đức độ), Trí (trí tuệ), Lượng (sự bao dung), Thành (thành thật), Khiêm (khiêm tốn), Cần (siêng năng); 8 tội cần phải tránh: Lười biếng, Keo kiệt, Tham lam, Dối trá, Bất nhân, Hẹp hòi, Thất đức, Dốt nát.

Với Lê Hữu Trác, nói đi đôi với làm. Đối với bệnh nhân, Ông không nề hà khó nhọc, vất vả đến thăm khám trực tiếp, chu đáo rồi mới kê đơn. Ông xem “cái bệnh” là đối tượng số một, bệnh nguy cấp cần chữa trước, tùy trường hợp mà giải quyết kịp thời và chu đáo, bệnh cần dùng thuốc gì dùng thuốc đó dù là thứ đắt tiền. Có trường hợp bệnh nhân khỏe rồi, nhưng nghèo khổ, Lê Hữu Trác còn chu cấp thêm cho tiền gạo. Ông nói: “Phần mình phải hết sức suy nghĩ, đem hết khả năng để làm kế tìm cái sống trong cái chết cho người ta” (Âm án). Theo Lê Hữu Trác “Nếu cùng một lúc có nhiều người nhà của bệnh nhân mời đi thăm bệnh, nên tùy mức bệnh nào gấp thì tới trước bệnh nào hoãn thì tới sau, không nên coi trọng kẻ giàu sang mà tới trước, xem nhẹ kẻ nghèo hèn lại đến sau; hoặc trong việc dùng thuốc lại còn phân biệt kẻ hơn người kém. Nếu lòng không thành thực, thì khó công hiệu của sự cảm ứng” 4 . Quan điểm y đức của Lê Hữu Trác không chỉ được thể hiện rõ trong Y huấn cách ngôn mà còn được thể hiện qua những hoạt động, ứng xử trong thực tiễn hành nghề của Ông. Trong chuyên luận “Những lời dạy của các tôn y Việt Nam về Y đức” của Giáo sư Ngô Gia Hy đã thống kê được 94 điều, trong đó có 72 điều rút ra từ tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông (38 điều từ Y huấn cách ngôn, 24 điều từ Dương án, Âm án, 10 điều từ tập thơ Y lý thâu nhàn và tập Thượng Kinh ký sự). Những quan điểm y đức của Lê Hữu Trác có sự tương đồng lớn với Lời thề Hippocrate (460 - 377 trước CN) - người được coi là cha đẻ của y học phương Tây.

1.2. Xây dựng lý luận, phương pháp chữa bệnh của nền y học cổ truyền Việt Nam

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã nghiên cứu, chọn lọc và tiếp thu những tinh hoa của y học cổ truyền Trung Hoa, sáng tạo ra các phương pháp mới, phù hợp với thể trạng và điều kiện sống của người Việt Nam. Nhờ đó xây dựng nên một hệ thống lý luận và phương pháp chữa bệnh mang tính thực tiễn cao và khả năng ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Ông chỉ rõ những điểm khác biệt giữa khí hậu phương Bắc (Trung Hoa) và khí hậu phương Nam (Việt Nam), vạch ra phương pháp chữa bệnh ngoại cảm (cảm ngoại) ở Việt Nam, sử dụng thuốc Nam và đưa ra các bài thuốc, các phương pháp chữa bệnh cụ thể.

Tư tưởng của Lê Hữu Trác về sự cân bằng trong cơ thể là một triết lý y học quan trọng mà Ông nhấn mạnh trong các tác phẩm của mình, gốc rễ của y học cổ truyền đó là sự cân bằng âm dương. Ông tin rằng sự mất cân bằng giữa các yếu tố âm dương, hàn nhiệt là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tật. Vì vậy, để điều trị bệnh một cách triệt để, không chỉ cần tập trung vào việc chữa triệu chứng mà còn phải khôi phục lại sự cân bằng tự nhiên của cơ thể. Phương pháp điều trị của Lê Hữu Trác không chỉ dừng lại ở việc chữa triệu chứng mà còn bao gồm việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Ông nhấn mạnh, sức khỏe không chỉ phụ thuộc vào việc dùng thuốc mà còn ở việc duy trì lối sống lành mạnh và điều hòa cảm xúc. Quan điểm này rất gần với khái niệm y học toàn diện ngày nay, trong đó việc chăm sóc sức khỏe không chỉ dừng lại ở việc điều trị bệnh tật mà còn tập trung vào việc cải thiện trạng thái tinh thần và nâng cao thể lực toàn diện của bệnh nhân.

Trên cơ sở quan niệm dân gian “Trời đất sinh ra giống người ở xứ nào thì phải sinh ra các vị thuốc ở xứ ấy để cứu cho người ta khi có bệnh tật” (quan niệm phổ biến trong Nam thiên y lý dân gian Việt Nam) và kế thừa tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân” của Đại danh y Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác đã dày công đúc kết, sáng tạo cả về mặt lý luận và thực tiễn xây dựng một nền y học độc lập, tự chủ, phù hợp với phong thổ Việt Nam, dược liệu Việt Nam. Ông đã tập hợp và sưu tập các bài thuốc, vị thuốc với số lượng lớn bài thuốc hiệu quả, từ các sách, bài thuốc trong dân gian, bài thuốc gia truyền và các nhà truyền đạo nước ngoài. Nhiều bài đã được chính Lê Hữu Trác sáng chế, sử dụng, kiểm nghiệm.

Bộ sách nổi tiếng Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (chữ Hán: 海上醫宗心嶺) gồm 28 tập, 66 quyển là công trình tâm huyết cả đời thầy thuốc của ông và được Nhân dân gìn giữ, sưu tập với các tên gọi: Lãn Ông tâm lĩnh (do chính Lê Hữu Trác đặt tên), Hải Thượng tâm lĩnh di thư (Vũ Xuân Hiên gọi); Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (tên gọi phổ biến); Tân thuyên Hải Thượng Y tông tâm lĩnh toàn trật (tên theo Thư viện Quốc gia)... Bộ sách được ông hoàn thành về cơ bản (và viết lời tựa) năm 1770; sau đó được ông bổ sung: Y trung quan kiện (1780), Y hải cẩu nguyên (1782), Thượng Kinh ký sự (1783); Vận khí bí điển (1786),... Bộ sách có giá trị lớn về khoa y dược, góp phần khẳng định chân lý riêng của nền y học cổ truyền Việt Nam, gắn liền kinh nghiệm thực tiễn, phù hợp với phong thổ và dược liệu Việt Nam; thể hiện bản chất tốt đẹp của một nền y học thuần Việt, thấm nhuần đạo đức và đầy tính nhân văn, nhân đạo. Đây chính là một bộ tùng thư chuyên về y học của một tác gia Việt Nam. Nội dung sách rất phong phú, bao quát tất cả lý luận kinh điển đông y xưa về các khoa nội, ngoại, phụ nữ, sản, trẻ em, sởi, đậu mùa, phương thuốc, y án, bản thảo, dược vật,... “là một bộ sách mà tác giả đã khổ công nghiên cứu, hết sức thực nghiệm, một công trình lâu ngày dài tháng, ròng rã suốt 30 năm, dầy kinh nghiệm và bắt đầu viết sách trong 10 năm mới làm xong” 5 . Ngoài lĩnh vực y học (Đông y), bộ sách còn có giá trị về nhiều lĩnh vực như: văn học, lịch sử, giáo dục, văn hoá học…

2. Lê Hữu Trác - Nhà văn hóa có đóng góp quan trọng đối với nền văn học, văn hóa dân tộc

Bên cạnh Y tông tâm lĩnh với các nội dung xuất sắc về y học, Lê Hữu Trác còn thể hiện tài năng văn chương xuất sắc của một nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Với tư cách là một tác gia văn học, Lê Hữu Trác vừa là nhà thơ, vừa là nhà văn có phong cách, cá tính tài hoa, độc đáo và có nhiều đóng góp quan trọng cho lịch sử văn học dân tộc. Ông để lại một khối lượng thơ không nhỏ, có thể phân thành hai loại: thơ “diễn ca”, được dùng như một phương tiện, cách thức để chuyển tải nội dung y học, vì vậy Ông chỉ chú trọng vần, nhạc tính, giúp cho người đọc dễ nhớ, từ đó mà vận dụng vào phòng bệnh, chữa bệnh, có thể kể đến tập Vệ sinh yếu quyết biên soạn trong bộ y học toàn thư Hải thượng y tông tâm lĩnh; thơ nghệ thuật, đó là những bài thơ sáng tác trong thời kỳ làm thuốc, loại thơ này đậm tính trữ tình, dạt dào cảm xúc, ngôn ngữ tinh tế, giàu tính tạo hình và biểu cảm, sáng tác theo cảm hứng và quy luật đặc thù của nghệ thuật thi ca rõ nét ở các bài thơ trong Thượng kinh ký sự.

Đặc biệt Thượng kinh ký sự (Ký sự lên kinh đô)(6) - phần cuối cùng (quyển 66) của bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh đã đưa Lê Hữu Trác vào danh sách các tác gia lớn của văn học Việt Nam. Tại đây đã tái hiện một cách chân thực bức tranh hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII với nhiều mảng màu sắc nét và một thế giới nhân vật (người thật, việc thật) phong phú, từ bậc vua chúa, quý tộc, đám quan lại đến các hạng người khác trong xã hội, đặc biệt là hình tượng cái tôi và hình tượng tác giả - một cái tôi, một tác giả ưu thời mẫn thế, không màng danh lợi, luôn có cái nhìn sắc sảo, tinh tế, bao quát sát thực thế giới hiện thực và con người; một cái tôi, một hình tượng tác giả vừa trong vai một lương y, vừa trong vai một nghệ sĩ ngôn từ, tất cả vì vận mệnh và số phận con người.

Với tư cách là nhà văn hóa, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ am hiểu mà còn tổng hợp, tinh lọc các giá trị văn hóa bên ngoài (các triết thuyết: Nho, Phật, Lão, Lý dịch, Kinh dịch, Âm dương, Ngũ hành...); giá trị văn hóa truyền thống bản địa, ở cả hai nguồn bác học và dân gian và từ nhiều trước tác của tiền nhân, nhất là trên lĩnh vực y học (Bảo sinh diên thọ toàn yếu, Toàn thư của Cảnh Nhạc, Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh ...). Từ đó đúc kết, kế thừa và kiến tạo sản phẩm mới, giá trị mới và đưa vào thực tiễn ứng dụng (chữa bệnh cứu người, làm thuốc, đào tạo học trò, truyền bá y đạo, nhân đạo)... Với vốn văn hóa uyên thâm, vốn sống phong phú, tài năng sáng tạo và tấm lòng nhân ái bao dung, Lê Hữu Trác luôn nói đi đôi với làm, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, thực hành... Tất cả lời nói và hoạt động của Ông đều hướng về con người, về Chân - Thiện - Mỹ.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vừa là một mẫu hình lương y tận hiến, một mẫu hình của nhà văn sáng tạo, vừa là một mẫu hình trí thức/ kẻ sĩ biết “xuất”, “xử”/ “hành”, “tàng” tỉnh táo trên cơ sở lấy nghĩa lớn và đức nhân làm trọng. Có thể thấy trong tư cách nào và ở lĩnh vực hoạt động nào, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn là một Nhân cách - Trí tuệ - Tâm hồn lớn; là tấm gương về lao động, học tập và sáng tạo; sống vì dân, vì con người, vì nghĩa cả.

Lê Hữu Trác thực sự mang tầm vóc quốc tế của một danh nhân văn hóa lớn, phù hợp với lý tưởng, sứ mệnh mà UNESCO cổ vũ và thúc đẩy “theo hướng đoàn kết các dân tộc, lòng khoan dung, lý tưởng hòa bình, đối thoại giữa các nền văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.

III. SỰ GHI NHẬN VÀ VINH DANH ĐỐI VỚI HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC

Tư tưởng Lê Hữu Trác không chỉ ảnh hưởng sâu rộng đến nền y học cổ truyền Việt Nam mà còn tiếp tục có giá trị trong bối cảnh y học hiện đại. Những triết lý của Ông về y đức, y lý, y thuật không chỉ là kim chỉ nam cho ngành y cổ truyền mà còn là những nguyên tắc cốt lõi mà y học hiện đại đang hướng tới. Những tác phẩm của Ông không chỉ là tài liệu y học quý giá mà còn là những giá trị, bài học về đạo đức, trách nhiệm và lòng nhân ái của người thầy thuốc.

Để tưởng nhớ công ơn và những đóng góp của Lê Hữu Trác, Nhân dân đã xây dựng các Khu Di tích Hải Thượng Lãn Ông tại làng Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (được tôn tạo vào cuối thế kỷ XVIII, sau đó trùng tu vào các năm 1990 và 2006) và tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là các quần thể di tích lưu giữ những tư liệu, hiện vật quý liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp khám chữa bệnh của Lê Hữu Trác, bao gồm: Nhà tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông; Nhà thờ Đại tôn họ Lê Hữu; Khu mộ Tổ họ Lê Hữu; Nhà thờ Hoàng giáp Lê Hữu Danh… Các di tích này đã được xếp hạng di tích quốc gia và đầu tư tôn tạo; nhiều con đường, trường học trên cả nước được đặt tên Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Tiếp tục lưu giữ, phát huy hiệu quả của Khu di tích, tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với các tổ chức văn hoá, khoa học nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển bền vững Khu di tích trên cơ sở kết hợp các tiềm năng, lợi thế về di sản văn hoá - tâm linh với du lịch sinh thái, dịch vụ y tế, chăn nuôi, trồng và chế dược liệu để nơi đây thực sự trở thành một "địa chỉ đỏ" trong giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, là điểm du lịch thăm quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

 Đặc biệt để ghi nhận, tôn vinh những công lao, đóng góp, cống hiến của Hải Thượng Lãn Ông cho nền y học Việt Nam và thế giới, tại phiên họp Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ngày 21/11/2023 ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên 10 khóa 2024 - 2025" , trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Sự kiện UNESCO công nhận Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới không chỉ dành cho những đóng góp của Ông trong lĩnh vực y học mà còn là sự ghi nhận ảnh hưởng to lớn của Ông đối với nền văn hóa, xã hội Việt Nam và thế giới. Ông không chỉ là một thầy thuốc vĩ đại mà còn là một nhà tư tưởng, một người thầy đã truyền đạt những giá trị nhân văn và đạo đức cho nhiều thế hệ thầy thuốc hiện nay và mai sau.

Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là dịp để các thế hệ hôm nay tưởng nhớ, tri ân đối với một danh y lỗi lạc trong lịch sử y học dân tộc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông là người dựng "ngọn cờ đỏ thắm" trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng ngời về y đức, y đạo, y thuật cho muôn đời noi theo.

Trong tương lai, di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng để phát triển y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại. Ngành y tế, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần chú trọng công tác nghiên cứu, phát huy và phát triển các giá trị mà Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại, coi đây là một hướng đi tiềm năng trong ngành công nghiệp dược, theo tinh thần Kết luận số 86-KL/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới. Các trường đại học y khoa cần tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy, không chỉ để bảo tồn những giá trị của Ông để lại mà còn để ứng dụng, phát triển những kiến thức đó vào các phương pháp điều trị hiện đại, mở ra những cơ hội mới hiệu quả trong công tác điều trị y khoa, góp phần chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!