Hát bội ngày xưa 

19/10/2022
4410

Trước khi các loại hình sân khấu cải lương, kịch nói… ra đời, hát bội là lọai hình yêu thích nhất của người Nam Bộ-Cần Thơ. Những năm 1960 trở về trước, dân gian thường truyền miệng câu ca dao:

Má ơi đừng đánh con đau

Để con hát bội làm đào má coi.

Có nhiều lý giải về hai từ hát bội, hát bộ. Bội là làm cho nhiều hơn: bội phần, bội thu… Từ hành động kịch trên sân khấu, người xem phải liên tưởng, hình dung ra thêm mới thưởng thức được. Khi thấy diễn viên cầm roi ngựa, múa may phải hiểu là họ đang cưỡi ngựa; diễn viên cầm chèo là đang đi thuyền… Đây cũng là đặc trưng ước lệ của sân khấu Á Đông. Về sau có giả thuyết cho rằng chữ bội gắn liền với “bội bạc”, coi rẻ giới nghệ sỹ là “xướng ca vô loài”, nên triều đình phong kiến sửa tên: hát bộ; một loại hình kịch hát gắn liền với điệu bộ, vũ điệu.

Tìm về lịch sử, cho thấy nguồn gốc hát bội bắt nguồn từ các loại hình diễn xướng dân gian xuất hiện từ rất lâu đời ở nước ta. Từ những cuộc múa hát ngẫu hứng sau chiến thắng trong một cuộc giao tranh, trong một cuộc săn bắn của các bộ lạc…, đến khoảng thế kỷ thứ X, múa hát ngẫu hứng đi dần vào “bài bản”.

 Nhiều sách sử ghi chép: trò Múa xuân phả có từ thời nhà Đinh. Các vũ công múa, diễn trò có hóa trang, đeo mặt nạ… Một sử liệu khác: năm 990, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn hát bài Mời rượu bằng tiếng Việt để đón chào sứ giả Trung Quốc. Đến thời vua Lê Ngọa Triều, trong cung nuôi nhiều diễn viên hề để phục vụ cho các cuộc vui của vua quan… 

Trò Múa xuân phả (Thanh Hóa), diễn vào dịp Tết. Trò có nhiều diễn viên, có tướng sĩ nhập vai diễn gần như tuồng. Trò diễn bằng ngôn ngữ múa ước lệ, chuyển động đội hình hàng dọc, hàng ngang, tướng ra vung roi chạy lên, quân sĩ cúi chào, đánh võ… Lớp diễn như một trò sân khấu, hát đệm nhạc, tiền đề cho diễn tuồng sau này. Ngoài Bắc Bộ có lễ Cầu hồn tại Đông Anh. Trò diễn gồm ba phần, mở đầu, thỉnh cầu thần linh, vào trò cầu xin linh hồn siêu thoát, dâng lễ, tiễn biệt lên đường theo điệu Hò đưa linh… Người hát, người xô đưa hồn về nơi chín suối, xen vào những lời ca thương tiếc, chia ly.

Ở tỉnh Hòa Bình, từ xưa đã có tục Hát sắc bùa (chúc Tết, xua đuổi tà ma, dịch bệnh) của đồng bào dân tộc Mường nhân đầu năm mới. Đồng bào ven biển Trung Bộ có loại hình Hò bá trạo, hình thức diễn xướng dân gian mô tả các động tác của ngư dân trên biển…

Các loại hình diễn xướng dân gian từ thôn quê được tầng lớp vua quan đưa vào cung đình phục vụ giải trí. Sau đó triều đình mới lệnh cho các quan văn chỉnh đốn, soạn tuồng, bắt cung nhân tập hát rồi lập ra một ban hát tại kinh thành. Do đó hình thành 2 loại tuồng: tuồng ngự, tuồng pho (mang tính bác học), tuồng đồ (mang tính bình dân).

Tên gọi "Đào - Kép" xuất hiện cũng từ hát bội mà ra. Tương truyền rằng, vào khoảng thời Lý (TK XI), có một cuộc múa hát trong cung đình, một số nam nữ diễn tuồng nhưng chưa có danh xưng. Vua Lý ban tặng cho một diễn viên nữ tên là Đào Hoa và vị tổng quản là quan Quản Kép. Về sau triều đình lấy chữ “Đào” của nàng Đào Hoa gọi chung cho nữ diễn viên là “Đào hát” và Kép (Quản Kép) gọi chung cho nam diễn viên, từ đó trong dân gian mới có từ “Đào – Kép” hát. Tên gọi “Tuồng” cũng ra đời vào thời kỳ này.

Thời nhà Trần (thế kỷ XIII), triều đình và quân dân ta một lòng kháng chiến, nên cả ba lần quân Nguyên Mông xâm lược nước ta đều bị đánh bại. Trong số tù binh quân Nguyên bị ta bắt có một người rất giỏi nghề hát xướng là Lý Nguyên Cát. Ông Lý Nguyên Cát vốn là người Hán, diễn viên Hí kịch, chuyên biểu diễn để giúp vui cho quân sĩ. Sau khi bị bắt, Lý Nguyên Cát đã được các quan lại nhà Trần giữ lại trong dinh phủ để phục vụ và truyền dạy Hí kịch cho người Việt. Vở tuồng Tây Vương mẫu hiến bàn đào (khoảng năm 1350) được cho là gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ. Diễn xướng dân gian nước ta bắt đầu tiếp thu các yếu tố đầy đủ của tuồng hát: kịch bản, diễn viên và sân khấu.

Trong các thế kỷ XIV-XV, nhiều quan lại, văn sĩ chủ trương đưa các tuồng tích Việt vào các tuồng hát thay cho các vở diễn có nguồn gốc từ các pho truyện, điển tích Trung Hoa.

Đến thời Trịnh -Nguyễn phân tranh (1533-1788), nghệ thuật hát tuồng nước ta có sự phát triển đáng chú ý. Trong số quan lại của chúa Nguyễn, người rất giỏi về âm nhạc và tổ chức âm nhạc là Đào Duy Từ (1572 - 1634). Đào Duy Từ là người ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, do xuất thân là con nhà hát xướng nên không được đi thi ở triều Lê. Phẫn chí, Đào Duy Từ vào Đàng trong, được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng phong làm quan Nội tán, tước Lộc Khê hầu. Đào Duy Từ lập ra Hoà thanh thự trong triều đình gồm ba đội. Đội nhất, đội ba chuyên về nhạc, đội nhì chuyên về ca, múa. Tương truyền rằng Đào Duy Từ là người mang nghệ thuật tuồng vào, cải tiến, phát triển ở miền Trung và về sau lan truyền vào Nam Bộ.

Triều đình nhà Nguyễn (1802-1945), kể từ thời Gia Long đến thời Tự Đức, âm nhạc cung đình rất phát triển, chủ yếu là lễ nhạc. Các vua Nguyễn nhất là Minh Mạng và Tự Đức rất giỏi và am hiểu thơ phú, văn chương, say mê nghệ thuật, nhất là hát tuồng. Chính bản thân các vua này cùng tham gia chỉnh lý và soạn thảo các vở tuồng.

Từ những năm đầu thế kỷ XX ở Cần Thơ đã có nhiều gánh hát bội lớn:

Gánh hát bội Bầu Bòn do ông bầu Bòn, một người quê quán ở Phụng Hiệp thành lập. Gánh hát bội Bầu Bòn không chỉ nổi tiếng ở Cần Thơ mà còn " ở khắp Nam kỳ lục tỉnh". Cố Viện sĩ – Giáo sư Lưu Hữu Phước (1921 - 1989) quê quán ở xã Thới Thạnh, Ô Môn, kể lại: "...Tôi nhớ là cả làng tôi ai cũng mê xem hát và hoan nghênh các đòan hát bội bấy giờ, trong đó có gánh hát Bầu Bòn, mà vợ ông ấy đã nổi tiếng đóng vai Lữ Bố ".

Gánh hát bội Tân Lập Ban do ông Nguyễn Văn Lễ (Bầu Lễ), quê ở xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp thành lập. Gánh Tân Lập Ban phát triển mạnh, lực lượng lên đến 50 - 60 diễn viên, đi lưu diễn các đình làng trong tỉnh Cần Thơ và nhiều nơi khác: Cà Mau, Bạc Liêu, Châu Đốc, Vĩnh Long.v.v.

Ba người con trai của Bầu Lễ tách ra thành lập thêm 3 gánh hát bội nữa: Hữu Ân, Hữu Nghĩa và Phước Tấn. Gánh Phước Tấn có hậu cứ tại bến Bắc Cần Thơ. Cháu của ông bầu Phước Tấn: diễn viên Phương Ánh kế tục nghề hát của cậu, lập ra câu lạc bộ tuồng cổ rồi đoàn tuồng cổ Phương Ánh còn hoạt động cho đến ngày nay.

Ảnh: Trích đoạn tuồng Phàn Lê Huê, Câu lạc bộ tuồng cổ Phương Ánh

 

Gánh hát bội Thành Phước có nguồn gốc từ một gánh hát bội ở miền Trung. Gánh này có cô đào chính là Nguyễn Thị Năm. Khi vào lưu diễn ở Cần Thơ, cô Năm kết duyên với một phú nông ở Phương Bình, Phụng Hiệp: Ông Hùynh Văn Lắm. Ông Lắm bán đất ruộng cùng vợ lập ra gánh Thành Phước đi lưu diễn nhiều nơi. Gánh Thành Phước có bản doanh ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Nghệ sĩ hát bội nổi tiếng của Cần Thơ trong thời gian này: Ngọc Việt, Ngọc Mè, Kim Tiền, Cô Chín Trăm, Cô Năm Nhỏ... Trong đó Cô Năm Nhỏ được được nhân dân tôn vinh là một trong những hậu tổ của nghề hát bội.

Các vở tuồng có nguồn gốc từ văn học cổ của Trung Quốc (tuồng Tàu) hay được các gánh hát bội ở Cần Thơ dàn dựng: Xử án Bàng quí phi, Mạnh Lệ Quân, Ngũ hổ bình Liêu, San Hậu... Các tuồng này đa số đều khuyết danh, được các gánh hát truyền khẩu và ghi chép lại.

Nổi tiếng nhất là vở tuồng Kim Thạch kỳ duyên của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Vở Kim Thạch kỳ duyên nguyên gốc viết bằng chữ Nôm chưa xác định được sáng tác vào năm nào, nhưng đã được xuất bản 10 lần (trong đó 6 lần bằng chữ quốc ngữ, 4 lần bằng chữ Pháp). Các bản xưa nhất:

-Bùi Quang Nhơn (1895), Tuồng Kim Thạch kì duyên, Imprimerie Liprairie Nouvelles Claude & Cie, Sài Gòn.

-Trung Bắc tân văn (1919), Tuồng Kim Thạch kì duyên, par Bui Quang Nghia dit Thủ Khoa Nghĩa annoté e publie par Thạnh Phát - Cần Thơ, Imprimerie Trung Bắc tân văn.

-An Hà (1932), Tuồng Kim Thạch kì duyên, par Bui Quang Nghia dit Thủ Khoa Nghĩa, Nhà in An Hà, Cần Thơ.

Từ nửa cuối  thế kỷ XX, nhiều loại hình sân khấu hiện đại phát triển ồ ạt, hát bội với nhiều điển tích, điển cố, vũ điệu… dần đi vào quên lãng. Nhiều gánh hát bội dần tan rã, một số chuyển sang hát Hồ Quảng (gốc từ Trung Quốc). Thậm chí nghi thức Xây chầu đại bội trong lễ hội cúng đình truyền thống cũng được thay bằng các trích đoạn Hồ Quảng.

Bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống hát bội là vấn đề hết sức bức thiết. Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Long đã thử nghiệm tổ chức các tour du lịch tham quan các ngôi đình cổ có trải nghiệm xem trích đoạn hát bội, thu hút khá nhiều du khách. Ở Cần Thơ, trong di tích Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa có thể dàn dựng, biểu diễn một số trích đoạn tuồng Kim Thạch kỳ duyên. Một việc làm đầy ý nghĩa, vừa tôn vinh một kịch tác gia tiên phong của sân khấu tuồng Nam Bộ-Cần Thơ, vừa tăng chiều sâu văn hóa, thu hút du khách tham quan, tìm hiểu về khu di tích gắn liền với danh nhân Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa./.

Bài và ảnh: Ngọc Anh

 

Tài liệu tham khảo:

1.Hội Khai Trí Tiến Đức, (1931), Việt nam tự điển,  nhà in Trung bắc Tân Văn Hà Nội; 

2.Huỳnh Tịnh Paulus Của, (1895), Đại Nam Quốc Âm tự vị, Saigon, Imprimerie Rey, Curiol;

3.Đoàn  Nồng, (1942), Sự tích và nghệ thuật hát bộ, Nxb Văn học tùng thư, Mai Lĩnh.

  

 

 

 

 

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!