Giòn thơm bánh đa Vĩnh Thạnh
Đi dọc quốc lộ 80, thuộc địa giới huyện Vĩnh Thạnh, nhiều người dễ dàng nhìn thấy những chiếc bánh đa nướng sẵn được để trong bọc kín, treo trước cửa các hàng, quán dọc 2 bên đường. Theo các cán bộ Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, hiện có khá nhiều hộ dân ở xã Thạnh Lợi và Thạnh An chuyên làm bánh đa để bán. Trong đó, có gia đình anh Đỗ Hoàng Giao, ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, đã đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất bánh hiện đại, có thể sản xuất số lượng lớn chỉ trong vài giờ.
Theo anh Giao, nghề này của bà ngoại anh truyền lại, đến nay cũng đã trên 30 năm. Từ chỗ làm thủ công toàn bộ, 6 năm trước, cha anh Giao tìm hiểu, đặt lắp ráp máy tráng bánh công nghiệp với tổng chi phí trên 100 triệu đồng. Bù lại năng suất cao gấp 20-25 lần so với tráng thủ công. Anh Giao cho biết: “Ngày xưa mẹ tôi ngồi tráng từ 1 giờ sáng đến 13 giờ trưa chỉ được 500 cái bánh. Đến nay, chỉ trong 1-1,5 giờ, máy có thể tráng được 1.000 cái bánh, luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài thành phố. Anh Giao cũng đang làm thêm máy sấy để khắc phục tính mùa vụ do đặc tính của bánh đa cần phơi nắng tốt để bảo đảm chất lượng, đồng thời nghiên cứu tự chế máy tráng hủ tiếu, để đa dạng nguồn thu.
Vẫn giữ nghề làm bánh đa truyền thống hoàn toàn thủ công, cô Phạm Thị Hiền, ở ấp G1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Làm bánh đa rất cực, qua nhiều công đoạn: xay bột, lọc nước, nạo và vắt nước cốt dừa, thêm gia vị, tráng bánh, phơi cho khô rồi mới bán cho khách. Trong khi đó, thu nhập chỉ vừa đủ tiền cơm hàng ngày. Thế nhưng, không làm thì buồn lắm”. Cô Hiền làm bánh đa bán được 25 năm nay, mỗi ngày cô chỉ làm chừng 10kg gạo, tráng được trên 100 bánh. Tận dụng đồ nghề làm bánh đa, cô Hiền còn làm thêm bánh phở và bánh ướt, kiếm thêm thu nhập. Theo cô Hiền, chiếc bánh đa ngày nay vẫn giữ vị truyền thống nhưng có biến tấu thêm theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài nguyên liệu chính là bột gạo, bánh đa có cho thêm mè, nước cốt dừa, đường, gừng, đậu phộng. Một vài khách hàng còn yêu cầu cho thêm sữa để bánh thơm và béo hơn. Chiếc bánh đa ngon, được nướng trên lửa than, khi chín sẽ hơi phồng lên. Khi ăn bánh, mọi người sẽ cảm nhận được hương thơm của mè hòa quyện với vị béo, ngọt của đậu phộng, nước cốt dừa.
Còn chị Trần Ngọc Điệp ở ấp G2, xã Thạnh An kế thừa nghề làm bánh đa từ mẹ ruột khoảng 10 năm nay. Mẹ chị là cô Phạm Thị Thanh Nga, là nghệ nhân làm bánh đa đạt Huy chương Bạc tại hội thi bánh dân gian được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2016. Hiện nay, chị Điệp vẫn làm bánh thủ công với nồi tráng bằng điện. Trung bình, mỗi ngày chị tráng 100-120 bánh. Bánh tươi được bán với giá 10.000 đồng/cái, bánh nướng sẵn có giá 13.000 đồng/cái. Chị cho biết: “Tôi lấy chất lượng bánh làm lợi thế cạnh tranh. Bánh của tôi được làm từ gạo Đài Thơm hoặc gạo Jasmine 85, có đủ các vị: gừng, nước cốt dừa, đậu phộng, mè nếu là bánh ngọt. Còn bánh mặn thì tôi thay gừng bằng hành”. Hằng ngày, chị Điệp tráng bánh đa từ 2 giờ khuya đến 9 giờ sáng. Sau đó, chị vừa canh phơi bánh, vừa nướng sẵn vài chục bánh để bán cho khách mua dùng liền và bạn hàng mua về bán lại. Chị Điệp cho biết, nghề làm bánh đa tuy không giàu nhưng giúp chị có đồng ra đồng vào, không lo thiếu hụt và an tâm lo cho các con ăn học.
Tính riêng ấp D2 thuộc xã Thạnh Lợi và ấp G1, G2 thuộc xã Thạnh An hiện có tổng số 5 hộ gia đình chuyên làm bánh đa để bán. Bên cạnh đó, có khoảng 6 hộ gia đình chuyên làm hủ tiếu. Tuy số hộ đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại chưa nhiều nhưng các hộ làm nghề đã có sự đầu tư dụng cụ, máy móc nhỏ lẻ. Qua đó, nghề làm bánh đa, hủ tiếu ở đây đang có sức sống và tiềm năng phát triển, giúp tạo việc làm, thu nhập cho lao động và giữ nét đẹp của nghề truyền thống ở địa phương.
Bài, ảnh: MỸ TÚ
Nguồn:https://baocantho.com.vn/gion-thom-banh-da-vinh-thanh-a127921.html
Bình luận
Bạn cần phải Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản mới để được bình luận.