Cần Thơ, câu chuyện quyến rũ cuối dòng Mekong
Ngỡ ngàng sông nước Cần Thơ
Sông nước, kênh rạch Cần Thơ đẹp “cỡ” nào? Thiệt vinh dự và tự hào khi Tạp chí Departures của Mỹ vừa công bố danh sách 9 thành phố sở hữu hệ thống kênh đào đẹp nhất thế giới. Trong danh sách này, TP Cần Thơ xếp ở vị trí thứ 4. Các vị trí thứ nhất, nhì, ba lần lượt được xếp cho các thành phố Utrecht (Hà Lan), Quebeces (Bỉ), Hamburg (Đức). Sau Cần Thơ là các thành phố Cape Coral, Florida (Mỹ), Alleppey, Kerala (Ấn Độ), Tigre (Argentina), Bangkok (Thái Lan) và Petersburg (Nga).
Trước đó, trang Mysterious wold (2015) cũng ca ngợi Cần Thơ là nơi có kênh đào đẹp với chợ nổi và cảnh giao thương tấp nập và cũng lọt vào Top thành phố có kênh rạch đẹp nhất thế giới.
Vẻ đẹp sông nước Cần Thơ quyến rũ đến mức chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng trong năm 2019, tỉ phú Joe Lewis, ông chủ đội bóng Tottenham Hotspur đã cưỡi Siêu du thuyền Aviva đến Cần Thơ 2 lần; đi thăm chợ nổi Cái Răng, … Ông đặc biệt thích thú cách buôn bán truyền thống của người dân trên chợ nổi Cái Răng; về cồn Sơn nghe giới thiệu về những loài cá đặc trưng trên sông Mê Kông (cá tra, cá thác lát cườm, cá lăng, cá hô, cá hồng vĩ, cá măng rổ…) và thưởng thức hàng chục loại bánh dân gian Nam bộ…
Cần Thơ có sông Hậu, một trong hai chi lưu của sông Mê Kông huyền thoại, xuôi qua 5 cồn thơ mộng với chiều dài khoảng 60km, chiều rộng khoảng 800 – 1500m. Sông Cần Thơ chảy theo một vòng cung bao quanh các quận Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều và đổ ra sông Hậu tại bến Ninh Kiều, địa danh du lịch “trên bến dưới thuyền” nổi tiếng của Cần Thơ. Đây là nơi hợp lưu của con sông Hậu và sông Cần Thơ, nơi tụ họp của những người dân sống bằng nghề sông nước từ những buổi đầu khai mở, với các ngôi làng và các bến chợ hình thành ở các khúc sông thuận lợi, cửa vào ngã ba, ngã tư ven sông.
Thành phố Cần Thơ có hơn 48 tuyến sông, tổng chiều dài 579,3km, với 658 cảng, bến. Bên cạnh các sông rạch tự nhiên (sông Ô Môn, sông Thốt Nốt, rạch Bình Thủy, rạch Cái Khế, rạch Đầu Sấu…) địa phương còn có hệ thống kênh đào len lỏi sâu trong từng mảnh vườn nếp nhà…
Mạng lưới kênh rạch và kiến trúc đô thị mang đến cho thành phố Cần Thơ một nét duyên rất đỗi bình dị, nên thơ và riêng biệt. Là đô thị loại I duy nhất đồng bằng với tốc độ đô thị hóa cao cùng vị thế trung tâm miệt vườn sông nước Nam bộ, Cần Thơ đã định hình trở thành “Đô thị sông nước” độc đáo của đồng bằng châu thổ Cửu Long và cả nước.
Kênh rạch, ghe xuồng, nét duyên bản địa
Cư dân Cần Thơ sanh ra bên những dòng sông, sống chung cùng sông nước, gắn đời mình với ghe xuồng, kênh rạch sẵn cá tôm. Tính cách khoáng đạt, rộng mở, ưa kết giao... của người Cần Thơ cũng nhờ môi trường sống rộng mở, không gian sống hòa đồng và thân thiện.
Ở trên vùng đất mới, có lẽ những dòng kênh là chứng nhân tồn tại lâu đời, bền vững nhất thay vì những đền đài, thành cổ như các vùng đất khác. Mạng lưới kênh đào Cái Sắn, Xà No, Thị Đội, Bổn Tổng…là những công trình gắn với máu xương hàng ngàn người, của bao thế hệ cha ông đi mở cõi. Những dòng kênh đó đã giúp cho cha ông ta chinh phục và định cư bền lâu ở vùng đất trũng thấp rất đặc trưng này.
Đã hàng trăm năm, chính những dòng kênh, chiếc xuồng giữa hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt đã góp phần tạo ra “hồn cốt” cho Cần Thơ (và châu thổ này). Một nền “Văn minh kênh rạch” chân quê mộc mạc, bình dị nhưng vô cùng đặc sắc, độc đáo hình thành từ đó. Ngã ba ngã bảy trên sông đã tạo ra chợ nổi bập bềnh, đủ sắc màu hoa trái phương Nam; để khi neo ghe dập dềnh đợi chờ con nước phiêu diêu thả hồn nhịp điệu tài tử “hò xừ xang xế” cùng câu hò chèo ghe (hò mái một, hò mái ba, hò mái dài, mái cụt, mái trường), hò sông Hậu. Những căn nhà bám theo bờ sông bờ rạch, tiếng gọi đò lúc mờ sáng ấm áp xum vầy “dân ấp dân lân”. Bến sông, bến nước, sàn nước... bên rặng bần rặng dừa nước in đậm ký ức suốt bao thế hệ. Nơi đó có chiếc xuồng ba má cột trong con mương con rạch nhỏ; có chị Ba chị Tư rửa chén vo gạo, lụi cụi giặt áo quần và cả hẹn hò lứa đôi; có những đứa trẻ rủ nhau phóng xuống dòng kênh sau một ngày rong ruổi lưng trâu trên những cánh đồng xa...
Nước xuôi thì chèo mái chài, nước ngược lại chèo mái cuốc, nước xoáy thì nạy hay chèo mái một. Cả trăm kiểu dáng ghe xuồng cùng cách thức khai thác, phương tiện sinh sống trên sông nước đa dạng, phong phú cũng đủ thấy sự thích nghi, sáng tạo tuyệt vời của cư dân miệt sông nước.
Chính những “đặc sản” đó đã tạo nên, làm giàu hơn sắc thái văn hóa riêng của Cần Thơ và hạ lưu sông Mekong huyền thoại.
“Bảo tàng sông nước Nam bộ”, câu chuyện sông nước thêm quyến rũ
Cần Thơ đã có rất nhiều nỗ lực cho du lịch đường sông. Ngày ngày trên dòng sông Hậu, sông Cần Thơ, trong những con rạch và 5 dải cù lao đất Tây Đô vẫn khẳm đầy bạn bè bốn phương tụ về tham quan, trải nghiệm.
Những tháng cuối năm 2019, du lịch đường sông Cần Thơ liên tiếp đón tin vui, góp phần đa dạng hóa phương thức di chuyển, hứa hẹn sự trải nghiệm du lịch hoàn toàn khác biệt cho người dân Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 5/12, Công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc Express đã chính thức đưa vào vận hành tuyến tàu cao tốc nối Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) - Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đặc biệt, Phú Quốc Express đã đưa tàu cao tốc hai thân - được chứng nhận kỷ lục lớn nhất Việt Nam - vào khai thác. Tàu có chiều dài gần 47m, rộng hơn 12m, sức chứa 600 khách, vận tốc tối đa 35 hải lý (khoảng 65 km/giờ) với thiết kế gồm khoang VIP, khoang phổ thông. Tàu xuất phát từ bến Ninh Kiều, tần suất 1 chuyến/ngày; thời gian cho một chiều, tùy thời tiết, khoảng 3 đến 4 giờ. Đây cũng là đơn vị đầu tiên khai thác tuyến này.
Trước đó, tại TPHCM, du thuyền Victoria Mekong Cruises, sản phẩm liên doanh giữa Tập đoàn Thiên Minh, một trong những tập đoàn lữ hành và khách sạn hàng đầu tại Việt Nam và Wendy Wu Tours, tập đoàn du lịch lữ hành hàng đầu của Anh Quốc cũng mở cửa đón khách tham quan, chuẩn bị chính thức khánh thành và thực hiện chuyến hải trình đầu tiên vào trung tuần tháng 12. Victoria Mekong Cruises (gồm 35 cabin, thang máy, nhà hàng, lounge bar, bể bơi Jacuzzi, boong tắm nắng, spa...) là một trong những du thuyền cao cấp mới nhất, đầu tiên xuất phát từ Cần Thơ hoạt động trên dòng Mekong đi Cambodia.
Tuy nhiên, chiến lược phát triển đô thị đã xác định rõ Cần Thơ trong tương lai sẽ trở thành một cực của tam giác phát triển trong vùng Đông Nam Á: TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Phnôm Pênh (Campuchia) quan hệ chặt chẽ với các vùng kinh tế phát triển, các đô thị lớn trong vùng ASEAN. Yêu cầu này mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn cho ngành du lịch Cần Thơ, trung tâm châu thổ Cửu Long. Đến nay, chúng ta vẫn chưa kể hết, chưa khai thác hết những nét đẹp sông nước sẵn có của mình.
Lang thang trời Âu, thiệt ngạc nhiên khi Tòa thánh Vatican (Roma - Italia) trưng bày hàng trăm mô hình tàu thuyền, ghe cổ của các quốc gia trên thế giới, thu hút rất đông khách tham quan. Vì sao đến nay Cần Thơ (cũng như ngành du lịch đồng bằng), nơi có “văn minh sông nước” đậm đặc đến vậy vẫn chưa có một “Bảo tàng sông nước” đúng tầm?
Câu chuyện về sông nước Cần Thơ sẽ hấp dẫn, quyến rũ hơn nếu chúng ta tạo ra những sản phẩm du lịch mới, mang tính đột phá. Thời hội nhập, chợ nổi cũng phải văn minh, chuyên nghiệp, khoa học hơn. Điều này cần một tư duy mới, cách nhìn mới trong bảo tồn văn hóa chợ nổi Cái Răng. Đã xác định “chợ du lịch” thì phải giữ cho bằng được “hồn sông”, đó là chất quê, tính truyền thống trên cái nền giao thương cả trăm năm của cư dân bản địa. Phôi phai, mất dần cái chất “chân quê” là mất dần sức hút chợ nổi.
Nên chăng tổ chức ngay trên vùng nước chợ nổi Cái Răng một “Bảo tàng sông nước Nam bộ”. Điểm nhấn, trọng tâm sẽ là “Bảo tàng ghe xuồng Nam bộ” trưng bày, chọn lọc các kiểu ghe xuồng Nam bộ từ xưa đến nay (xuồng ba lá, năm lá, ghe bầu, ghe chài, ghe lườn, ghe lưới, ghe bè, ghe lồng, ghe cá, ghe cào, ghe lồng, ghe giàn, ghe chài, ghe hàng bố, ghe bầu, ghe ô, ghe điệu rồi tắc ráng, phà, chẹt, bè; ghe người Chăm mũi cao thân nhỏ có mui, ghe Cà Mau chở cặp chiếu hoa của soạn giả Viễn Châu…). Đến đây du khách sẽ biết về con nước rong, nước ròng, nước đứng, hiểu thêm văn hóa tín ngưỡng liên quan đến ghe xuồng như người đóng ghe có lễ cúng ghim lô, cúng khai nhãn, cúng hạ thuỷ cầu cho mọi việc được hanh thông. Người sử dụng ghe thì cúng ở đầu mũi ghe cầu cho mua may bán đắt (dân thương hồ), đánh bắt được nhiều cá tôm (nghề hạ bạc), chở khách được an toàn (dân tàu đò)…Bên cạnh các phương tiện giao thông đường thủy là cách thức, công cụ đánh bắt thuỷ sản (câu thượt, câu nhắp, câu rê, cầu dầm, câu cắm, câu giăng; chiếc lờ, trúm, lộp, đó, rọ, bung, xà di; lưới rùng, lưới chụp, lưới xệp, te, đáy, càng chông, vó gặt, vó càng …). Trên bờ có khu vực đa phương tiện (ấn phẩm, phim, truyền thông số, các loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc) giới thiệu “văn hóa sông nước”, khu ẩm thực đúng tầm phục vụ khách du lịch.
“Bảo tàng văn hoá sông nước Nam bộ” sẽ là một sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam bởi nó mới lạ, độc đáo, hấp dẫn, mang tính vùng, tính cạnh tranh (khác biệt) rất cao. Và không chỉ làm sống lại mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa (vật thể, phi vật thể), nét đẹp tiền nhân mở cõi; kéo dài thời gian lưu giữ khách tại chợ nổi, tăng thu nhập, việc làm cho người dân, mở cơ hội cho các làng nghề, dịch vụ liên quan phát triển.
Một cảng du lịch đường sông hiện đại, bến du thuyền quy mô, đẳng cấp lớn, đúng tầm vị thế trung tâm vùng nhằm kết nối các tour, tuyến du lịch xuyên biên giới với các nước hạ lưu Mê Kông cũng là điều cần nghĩ đến. Đi kèm với cảng du lịch, bến du thuyền là các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, thậm chí là đóng mới du thuyền cùng hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng tiêu chuẩn cao…
Nâng chất lễ hội cầu an (lễ Tống phong, Tống gió, Tống ôn) đã có hơn 100 năm ở xóm Chài (Hưng Phú - Cái Răng); bảo tồn, phát huy các giá trị thẩm mỹ, kiến trúc nhà vườn, phong tục sinh hoạt thôn dã của đất cồn/cù lao, “đặc sản” tự nhiên, sinh thái của sông nước Nam bộ… cũng giúp “văn hóa bản địa” sông nước Cần Thơ sống lại, hội nhập vào thế giới hiện đại hôm nay.
“Nước rong nước chảy tràn đồng/Tơ duyên sẵn có chỉ hồng chưa se”. Hãy kể thêm những câu chuyện về Cần Thơ và hạ lưu dòng Mekong huyền thoại, du khách muốn vậy
Vũ Thống Nhất
Bình luận
Bạn cần phải Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản mới để được bình luận.