Khởi đầu ngôi chùa là một am nhỏ được sư Võ Văn Quyền lập để tu hành cầu mong mọi sự tốt lành đến với dân làng. Trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, năm 1966 chùa được xây dựng lại và mang tên "Long Quang Cổ Tự" hay còn gọi là Chùa Long Quang, với ý nghĩa là ánh sáng ấm áp mang đến niềm vui và hạnh phúc cho mọi người trong tình yêu của Đức Phật.
Khuôn viên Chùa có diện tích khoảng 12.000 m2, bao gồm: cổng tam quan, chính điện, giảng đường, thất trụ trì, tháp cốt, trai đường...
Chùa Long Quang thuộc hệ phái "Thiền tông lâm tế" du nhập từ Trung Quốc sang, nhưng ngôi chùa không chỉ thờ Phật Tổ theo đúng hệ phái mà các tượng thờ ở đây rất phong phú, được bài trí theo phong cách Việt Nam. Điều đó thể hiện sự kết hợp hài hòa về tôn giáo tín ngưỡng của hai dân tộc Việt – Hoa cùng sinh sống trên vùng đất Cần Thơ.
Đối tượng thờ chính của Chùa Long Quang là Phật Thích Ca, ngoài ra trong Chùa còn thờ Long Vương, Ngọc Hoàng, Chuẩn Đề, Địa Tạng, Giám Trai. Đặc biệt là nhóm tượng 18 vị La Hán. Trên tay mỗi vị đều cầm một bửu bối khác nhau, tượng trưng cho phẩm hạnh, đức độ hoặc phương tiện mà các vị chứng quả. Các con vật cưỡi của các vị La Hán đều là thú dữ, nhưng ở tư thế nằm sát xuống đất với vẻ quy thuận tuyệt đối vị chủ nhân ngồi trên mình nó. Dù mỗi vị ngồi với mỗi tư thế khác nhau và con thú cũng đa dạng về chủng loài như: hổ, nai, rồng, mèo, trâu, dê, báo... và cũng có nhiều tư thế khác nhau, nhưng cả vị chủ nhân và con vật đều được thể hiện một cách uyển chuyển, mềm mại trong từng tư thế, cử chỉ, nét mặt và ánh mắt nhìn.
Hàng năm, Chùa tổ chức 3 kỳ lễ hội lớn: cúng Thượng Ngươn (tháng giêng), cúng Trung Ngươn (tháng 7), cúng Hạ Ngươn (tháng 10); cúng Phật Đản sanh vào tháng 4.
Trong 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chùa Long Quang còn là cơ sở nuôi chứa nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng.
Ngày 21 tháng 6 năm 1993, Bộ Văn hóa Thông tin đã ban hành Quyết định số 774 QĐ/BT xếp hạng Chùa Long Quang là Di tích nghệ thuật cấp quốc gia.
Những ngày cúng lớn trong năm cũng là ngày lễ hội truyền thống chung của nhân dân địa phương, khi có điều kiện Chùa còn tổ chức hát Phật để phục vụ nhân dân./.
Ban Quản lý di tích thành phố Cần Thơ