Cù lao Tân Lộc là dải đất màu mỡ, nằm giữa dòng sông Hậu, nơi đây không chỉ nổi tiếng với những vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, mà còn lưu giữ khá nguyên vẹn những công trình mang đậm dấu ấn của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, trong đó phải kể đến Đình Tân Lộc Đông, tọa lạc tại khu vực Tân Mỹ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 40 km về hướng Tây Nam.
Sau gần 100 năm tồn tại, đến nay Đình vẫn còn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, là nơi có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người dân quận Thốt Nốt nói riêng và thành phố Cần Thơ nói chung.
Ban đầu Đình được xây dựng bằng tre lá đơn sơ trên cù lao Cát (nay là phường Tân Lộc) để thờ cúng thần linh. Đến đầu thế kỷ XIX dân cư tụ hội về cù lao Cát khai hoang lập nghiệp ngày càng nhiều, thôn Tân Lộc Đông bấy giờ hình thành, Đình được tu bổ thêm và lấy tên là Đình Tân Lộc Đông. Ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý (1852) vua Tự Đức phong sắc thần Bổn Cảnh Thành Hoàng cho làng Tân Lộc Đông. Từ khi có sắc phong, dân làng làm ăn ngày càng phát đạt, cuộc sống yên ổn hạnh phúc hơn.
Sang đầu thế kỷ XX, khi dân cư đã đông đúc, nhận thấy Đình có diện tích quá nhỏ, đường giao thông không thuận lợi, lại không có cảnh quan và mặt bằng rộng rãi để tổ chức lễ hội, do đó bà con dân làng đã họp bàn và quyết định dời Đình về vị trí mới, trên phần đất do bà Trần Thị Triệu (Năm Triệu) hiến tặng. Năm 1922, Đình được khởi công xây dựng bằng vật liệu kiên cố, đến năm 1925 hoàn thành và tồn tại đến ngày nay.
Đình Tân Lộc Đông được xây dựng theo hình chữ Nhất (一), trên diện tích rộng 2.884m2, bao gồm các hạng mục: Cổng tam quan, Võ ca, Võ qui, Chính điện, Nhà Tiên sư, Nhà khách, Nhà khói (Nhà bếp)…
Cổng Tam quan bằng bê tông cốt thép kiên cố, mái kiểu bát dần, lợp ngói móc vảy cá. Trên hệ mái thiết kế các đầu đao uốn cong và dòng chữ quốc ngữ “Đình Thần - Tân Lộc - Phía Đông” cùng bức Đại tự chữ Hán Nôm “廟 隍 城 ” (Thành Hoàng Miếu). Lối vào cổng chính đắp nổi hình lưỡng long uốn lượn quanh cột, bên dưới là tượng Kim Quy. Cổng tam quan còn được trang trí đề tài Tứ linh “Long - Lân - Quy - Phụng”, các bức bích họa thể hiện điển tích xưa: Lạc Long Quân và Âu Cơ, phong cảnh làng quê…
Võ ca Đình Tân Lộc Đông là nơi các đoàn hát biểu diễn phục vụ dân làng trong những ngày diễn ra lễ hội. Nhằm tạo không khí thông thoáng, tường võ ca xây theo kiểu “thượng song hạ bản”, được gắn các song bản gỗ để lấy gió từ bên ngoài thổi vào. Đặc biệt, hai bên Võ ca có thiết kế khán đài bằng gỗ theo dạng “bậc tam cấp” để dân làng ngồi dự lễ, xem hát mà không bị che khuất bởi người ngồi phía trước. Đây là những điểm khác biệt nhất của Đình Tân Lộc Đông so với một số đình khác còn lưu lại trên vùng đất Cần Thơ.
Bên trong Võ qui là bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương và bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trung tâm; hai bên là các bàn thờ Đại Bái, Phó Bái, Bồi Bái, Chánh Tế, Đông Hiến, Tây Hiến.
Chính điện là nơi trang trọng nhất của ngôi đình, thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng. Ngoài ra, dọc hai bên Chính điện còn bài trí các bàn thờ: Tả Ban, Hữu Ban, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Bạch Mã, Thái Giám và bàn thờ Tiên Thường.
Cũng như các ngôi đình ở Nam bộ, ngoài thờ vị Thần chính là Thành Hoàng Bổn Cảnh, Đình Tân Lộc Đông còn thờ các vị anh hùng liệt sĩ những người có công với quê hương đất nước, những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập nên làng xã, mở mang cơ nghiệp làm cho làng xóm ngày càng trù phú, phát đạt; những vị tổ sư dạy nghề cho dân làng…
Đình Tân Lộc Đông được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống, kết cấu kiểu nhà tứ trụ (hay gọi là nhà xuyên trính) liên kết với nhau qua các mộng gỗ khít khao, chắc chắn; hệ mái theo kiểu hình chữ Bát (八) hay thường gọi là kiểu bát dần gồm ba tầng mái lợp ngói âm dương; hệ thống cột được nối liên hoàn với nhau tạo thành một hệ thống kiến trúc hoàn chỉnh, chịu lực, vững chắc, nâng đỡ các vì kèo và các tầng mái phía trên.
Bên cạnh giá trị về kiến trúc, Đình Tân Lộc Đông còn bảo lưu giá trị về nghệ thuật qua các mảng chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ hình tượng long, lân, quy, phụng, dây, hoa, lá… trên hoành phi, bao lam, liễn đối; các bức bích họa với đề tài “Mai - Điểu”, “Tam đa”, “Sen le”, hoa cúc và dây lá… Ngoài ra, Đình còn là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa như: Bản sắc phong, hệ thống hoành phi, liễn đối, long sa, khánh thờ, những đồ thờ tự có trên dưới 100 năm tuổi.
Hàng năm, Đình Tân Lộc Đông long trọng tổ chức hai kỳ lễ hội lớn:
Lễ Hạ điền mang ý nghĩa: lễ xuống đồng, khai mùa cày cấy, gieo trồng, tạ ơn trời đất, thần linh đã giúp cho dân làng được mùa, lễ này được xem là lễ hội lớn nhất trong năm, diễn ra trong ba ngày 11, 12, 13 tháng 4 âm lịch. Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài những âm thanh rộn ràng của tiếng kèn, tiếng trống, mõ, chiêng nổi lên khi hành lễ, Ban Tế tự còn tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống với những tuồng tích xưa có ý nghĩa trong cuộc sống tại Võ ca. Những ngày này, khách thập phương và bà con các nơi tấp nập về dự lễ cúng đình đông vui, nhộn nhịp.
Lễ Thượng điền tổ chức trong hai ngày 20, 21 tháng 11 âm lịch, đây là dịp dân làng dâng lễ vật để tỏ lòng tôn kính đối với Thần Thành Hoàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, những người có công với dân, với nước.
Người dân sinh sống trên cù lao Tân Lộc từ lâu đã có truyền thống cúng Tết Đoan Ngọ (vào ngày mùng 4, 5 tháng 5 âm lịch) rất trang trọng, với ý nghĩa xua đuổi sâu, bọ phá hại cây cối, mùa màng. Vào dịp này bà con ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… tụ hội về cù lao Tân Lộc rất đông, lâu dần đã trở thành ngày hội diễn ra hàng năm tại đây. Đặc biệt, từ năm 2018 Lễ hội Mùng 5 tháng 5 âm lịch tại cù lao Tân Lộc đã được nâng tầm lên quy mô lễ hội cấp thành phố: “Ngày hội du lịch vườn trái cây Tân Lộc”. Đình Tân Lộc Đông là địa điểm tổ chức Ngày hội với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan du lịch; đến với Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc, người dân địa phương và khách tham quan sẽ có cơ hội thưởng thức các loại trái cây của địa phương và các món ăn truyền thống Nam Bộ, cũng như tham gia nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như: hội thi trưng bày mâm trái cây và củ quả lạ, hội thi “Cây cảnh, Bon sai”, hội thi “Chim chọi và Chim hót”, hội thi “Chọi gà dân gian”, giao lưu văn nghệ, triển lãm sách báo tạp chí, trình diễn và tặng chữ thư pháp, các trò chơi dân gian (bắt heo, hái trái, đập nồi đất, nhảy bao bố,…). Đây cũng là dịp để tôn vinh nếp sống sinh hoạt văn hóa, thành quả lao động của người dân; là dịp quảng bá hình ảnh lễ hội vườn trái cây Tân Lộc, giới thiệu tiềm năng du lịch sinh thái của cù lao Tân Lộc; đồng thời cũng là dịp để bà con cùng du khách đến tham quan và chiêm bái ngôi đình cổ kính có hàng trăm năm tuổi trên mảnh đất cù lao này.
Đình Tân Lộc Đông là công trình văn hóa, tín ngưỡng có giá trị cần được gìn giữ, bảo lưu để làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc tại thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng đất Nam bộ nói chung. Với những giá trị đó, ngày 22 tháng 5 năm 2017, Đình Tân Lộc Đông đã được Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 1342/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.