Cần Thơ - Dấu ấn 4 năm triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch

20/01/2021
1300

Chợ nổi Cái Răng – Một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Cần Thơ

Sự chuyển mình mạnh mẽ

Từ khi có Nghị quyết 03-NQ/TU, ngành du lịch thành phố Cần Thơ đã có bước phát triển đáng ghi nhận trong giai đoạn 2016 - 2020. Hạ tầng du lịch Cần Thơ ngày càng phát triển, đầu tư quy mô, hiện đại; loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng; chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng lên. Lực lượng doanh nghiệp hoạt động du lịch ngày càng lớn mạnh, cả về số lượng và chất lượng, tạo dựng được thương hiệu và uy tín trong nước và quốc tế. Song song với phát huy hiệu quả thế mạnh loại hình du lịch sông nước đô thị, du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, hoạt động du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội văn hóa - thể thao cấp vùng, quốc gia và quốc tế được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, quy mô hơn, tạo ấn tượng đẹp và thu hút đông đảo khách du lịch.

Nếu như năm 2016, lượng khách lưu trú đạt hơn 1,7 triệu lượt, thì đến năm 2019, Cần Thơ lượng khách lưu trú đạt hơn 3 triệu lượt khách, tăng gấp 1,7 lần. Doanh thu theo đó tăng nhanh, từ 1.826 tỷ đồng (2016) lên 4.400 tỷ đồng (2019), gấp 2,4 lần. Hệ thống các khách sạn cao cấp cặp sông Hậu như: Vinpearl, Victoria, Ninh Kiều Riverside, Vạn Phát Riverside, Resort Linh Phương Cồn Khương, Nesta, Resort Azerai… đã góp phần nâng cao dịch vụ lưu trú cũng như thay đổi diện mạo Du lịch Cần Thơ. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết quả hoạt động năm 2020 của ngành du lịch đạt khoảng 60 - 65% so với kế hoạch năm 2020.

Du lịch Cần Thơ đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, sản phẩm du lịch đặc thù: triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2030”; Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2019… Bên cạnh đó, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng, khai thác tour - tuyến tại quận, huyện trên địa bàn thành phố; triển khai thí điểm các mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy giai đoạn 2018 - 2020 (Rau sạch Minh Hòa, Nông trại Cần Thơ); thí điểm mô hình xe điện phục vụ khách du lịch… Đặc biệt, sản phẩm du lịch đường sông ngày càng được nâng cao chất lượng. Hiện nay, Cần Thơ có các tuyến đường sông quan trọng kết nối thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Đầu tháng 12/2019, thành phố Cần Thơ khai trương tuyến tàu cao tốc Cần Thơ – Trần Đề - Côn Đảo. Đầu năm 2020, du thuyền Victoria Mekong đã khai trương tuyến hành trình đường sông Cần Thơ – Châu Đốc – Phnom Penh, góp phần nâng tầm sản phẩm du lịch đường sông, kết nối 3 điểm đến du lịch với nhiều địa danh nổi tiếng, giúp du khách trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa con người, tận hưởng không khí sông nước yên bình dọc hành trình khám phá sông Mekong. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, nhất là khai thác hiệu quả loại hình du lịch đường sông.

          Trong thời gian qua, Cần Thơ đã tổ chức lồng ghép, triển khai các nội dung bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thành phố đến năm 2020; quan tâm đầu tư nhiều công trình di tích văn hóa - lịch sử, cải tạo kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế trong đó có du lịch như: cầu đi bộ Ninh Kiều, bờ kè Công viên sông Hậu... Cần Thơ trở thành địa phương duy nhất Việt Nam đạt giải thưởng “Cảnh quan châu Á” năm 2016, điểm nhấn là cầu đi bộ Ninh Kiều. Làng cổ Long Tuyền lọt vào “Top 5 ngôi làng cổ có niên đại hàng trăm năm nổi tiếng của Việt Nam”. Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ không chỉ trở thành thương hiệu của ngành Du lịch Cần Thơ mà còn của đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình “Sắc xuân miệt vườn” và Phố Ông Đồ, đường đèn, đường hoa nghệ thuật... là bản sắc văn hóa riêng có của Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long vào dịp tết, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân và thu hút khách du lịch đến Cần Thơ.

Đến cuối năm 2020, Cần Thơ đã có 33 điểm vườn du lịch và 1 điểm du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn. Hiện Cần Thơ có 7 điểm du lịch tiêu biểu cấp Đồng bằng sông Cửu Long và 15 điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đó, Cần Thơ triển khai tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng các điểm du lịch như: tổ chức khảo sát các tuyến điểm, làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất quà lưu niệm, quà tặng du lịch tại các quận, huyện, biểu diễn đờn ca tài tử tại không gian Nhà vườn - Điểm du lịch…

Xác định hợp tác, liên kết phát triển du lịch là một trong những giải pháp phát huy sản phẩm du lịch của các địa phương và cùng thúc đẩy phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đã ký kết các chương trình, biên bản về hợp tác, liên kết phát triển du lịch với 19 tỉnh, thành phố trong nước, tập trung vào các giải pháp hình thành các tuyến du lịch liên vùng, xây dựng các sản phẩm du lịch… nhằm thu hút khách du lịch đến thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đó, Cần Thơ đã tham gia Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng gồm thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển du lịch Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 - 2025

Để ngành Du lịch Cần Thơ tiếp tục bứt phá, là “điểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện”, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mê Kông”, trong thời tới, Du lịch Cần Thơ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ và Chương trình số 21-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, phấn đấu đưa ngành Du lịch thành phố Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, hiện đại...

Bên cạnh nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của du lịch, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự trong hoạt động du lịch, Du lịch Cần Thơ triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đổi mới, nâng tầm, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch, phát huy hiệu quả Hệ thống du lịch thông minh thành phố Cần Thơ; tăng cường hiệu quả hợp tác liên ngành, liên vùng và quốc tế; phát huy xã hội hóa trong phát triển du lịch. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát huy bộ nhận diện thương hiệu du lịch Cần Thơ, nâng cao độ nhận biết của khách du lịch trong và ngoài nước đối với thương hiệu du lịch Cần Thơ.

Về quy hoạch, phát triển hạ tầng du lịch, Cần Thơ tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm huy động nguồn lực tập trung xây dựng các khu vực trọng điểm; ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; phát triển các loại hình sản phẩm du lịch sông nước gắn với du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống, du lịch kết hợp hội nghị - hội thảo - triển lãm, du lịch nông nghiệp sạch, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao...

Về sản phẩm du lịch, Cần Thơ tiếp tục xây dựng và phát triển các tuyến du lịch mới, chú trọng đầu tư, khai thác 2 loại hình du lịch đặc trưng (du lịch sông nước và du lịch MICE); kết hợp du lịch tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa như: bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng và khu vực lân cận, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Nam Nhã Đường, Nhà thờ họ Dương, Di tích Chiến thắng Ông Hào, Di tích Khám lớn Cần Thơ, Di tích Căn cứ vườn Mận, Bảo tàng thành phố… Cùng với, nâng chất, nâng cấp các điểm du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ; điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố; điểm du lịch tiêu biểu cấp đồng bằng sông Cửu Long;  duy trì và phát huy hiệu quả, đổi mới hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại các điểm công cộng, điểm du lịch; hỗ trợ các điểm vườn du lịch nâng cao chất lượng phục vụ và mở thêm các hoạt động, dịch vụ mới để phục vụ du khách. Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, được xác định là một trong những nhân tố sống còn, quyết định. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền nâng cao nhận thức du lịch bằng nhiều hình thức cho cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động du lịch, nhất là hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm với môi trường; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch, quan tâm hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi và đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân với phương châm “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”. Bên cạnh đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, huy động có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, phát triển du lịch; thực hiện có hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, góp phần bảo vệ tài nguyên và xây dựng môi trường du lịch “văn minh - an toàn - thân thiện - chất lượng”./.

Trung Tín – P. QLDL

 

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!