Sau sáp nhập, TP Cần Thơ thành đầu tàu đưa du lịch liên vùng bứt phá
Cần Thơ - Sáp nhập Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ mở ra không gian du lịch liên vùng, đa dạng sản phẩm, tăng sức hút và khả năng cạnh tranh.
Đa dạng tiềm năng du lịch
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12.4.2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, TP Cần Thơ sẽ hợp nhất với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang. Thành phố mới lấy tên là TP Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Cần Thơ hiện nay. Đây sẽ là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL giữ vai trò đầu tàu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong đó, du lịch hứa hẹn là một trong những ngành có khả năng bứt phá mạnh mẽ sau sáp nhập.
Sóc Trăng là tỉnh ven biển với bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng Kinh - Khmer - Hoa. Tỉnh có tiềm năng du lịch tâm linh lớn với hơn 200 cơ sở thờ tự, trong đó 93 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Các điểm du lịch sinh thái như rừng ngập mặn Trần Đề, Cù Lao Dung, miệt vườn ven sông Hậu cùng chuỗi lễ hội đặc sắc như Óoc Om Bóc, Nghinh Ông, Thắc Côn, Phước Biển và làng nghề truyền thống (bánh pía, đan đát…) góp phần tạo nên bản sắc du lịch riêng có của địa phương.
Chùa Dơi (tỉnh Sóc Trăng) nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo và là nơi có đàn dơi trú ngụ. Ảnh: Phương Anh
Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL. Đây còn là trung tâm du lịch với đa dạng loại hình như sinh thái, sông nước, cùng các điểm tham quan nổi tiếng như Đền thờ Vua Hùng, Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng, Đình Bình Thủy và các làng du lịch sinh thái.
Tỉnh Hậu Giang nằm ở nội địa ĐBSCL, là thủ phủ của những vườn cây ăn trái bạt ngàn và thiên nhiên đa dạng. Các điểm đến nổi bật gồm Chợ nổi Ngã Bảy, Khu Bảo tồn Lung Ngọc Hoàng, Rừng tràm chim, Làng trầu Vị Thủy...
Tăng cường kết nối và mở rộng không gian du lịch
Sau sáp nhập, TP Cần Thơ mới sẽ có diện tích 6.360,83 km² và dân số hơn 4 triệu người, trở thành đầu tàu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của ĐBSCL. Hệ thống giao thông đường bộ được cải thiện đáng kể với các tuyến Quốc lộ 1A, Nam sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 61, 61B và đặc biệt là dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến hoàn thành năm 2026, giúp kết nối thuận tiện các điểm du lịch.
Đặc biệt, TP Cần Thơ mới sẽ sở hữu hơn 2/3 chiều dài sông Hậu trên tổng chiều dài con sông chảy qua nước ta, tạo thành tuyến đường sông lý tưởng để phát triển du lịch với chuỗi cồn và cù lao trải dài ra biển như Cù lao Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Ấu, cù lao Phong Nẫm, cồn Mỹ Phước và Cù Lao Dung. Việc quy hoạch không gian du lịch phù hợp cho từng cồn và cù lao sẽ tạo ra các sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp.
Một góc chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ). Ảnh: Tạ Quang
Việc hợp nhất 3 địa phương sẽ giúp mở rộng không gian phát triển du lịch, không còn bị bó hẹp trong từng địa phương riêng lẻ, giúp du khách có nhiều lựa chọn.
Du khách có thể dễ dàng trải nghiệm chuỗi hành trình từ Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) đến các vườn sinh thái (Hậu Giang) rồi tiếp tục khám phá du lịch tâm linh và sinh thái biển tại Vĩnh Châu, Cù Lao Dung, Trần Đề (Sóc Trăng). Điều này không chỉ kéo dài thời gian lưu trú, thưởng thức ẩm thực mà còn tăng doanh thu du lịch.
Đặc biệt, du khách chỉ cần đến TP Cần Thơ mới là có thể trải nghiệm tất cả các loại hình và sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng ĐBSCL, tăng khả năng cạnh tranh du lịch so với các tỉnh còn lại trong khu vực.
PHƯƠNG ANH - VĂN LỢI
- Hơn 200 HSSV dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường VHTTDL giao lưu tại Cần Thơ
- Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa
- Cần Thơ hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh miền Trung
- Sôi động mùa du lịch hè tại Cần Thơ với hàng loạt khuyến mãi khủng
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bình luận
Bạn cần phải Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản mới để được bình luận.