Đây còn là nơi ghi lại dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong trận đánh quyết liệt không cân sức giữa ta và địch suốt 6 ngày đêm.
Khu di tích Căn cứ Vườn Mận trở thành một trong những điểm tham quan tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc một cách trực quan sinh động nhất, là điểm về nguồn quen thuộc của các thế hệ đoàn viên thanh niên, nhân dân địa phương và cả nước.
Căn cứ Vườn Mận trước đây thuộc ấp Lợi Dũ A, xã An Bình (nay thuộc khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), rộng gần 7.000m2, cách thị trấn Cái Răng 2km, cách đồn bà chủ Kiểu và đồn Hàng Bàng-Cầu Đá của địch 400m.
Khu vực này trước đây trồng rất nhiều mận hồng đào, đặc biệt, nằm trong lộ Vòng Cung, chỗ nối liền hậu cứ để bao vây, tấn công vào trung tâm thành phố Cần Thơ. Địch dựng hàng chục đồn bót và bố trí nhiều đơn vị chủ lực, bảo an đóng dã ngoại ngày đêm, tuần tra canh gác suốt tuyến lộ Vòng Cung, ta khó cơ động vào ban ngày và dễ bị địch uy hiếp. Như vậy, quân dân ta phải chiến đấu độc lập trong hậu phương địch, khó chi viện và phải luôn canh phòng cẩn mật, luôn sẵn sàng chiến đấu suốt ngày đêm với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, tắt lửa nấu cơm trước trời sáng."
Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ, Phó Chính trị viên Đại đội trực tiếp tham gia trận đánh 6 ngày đêm ở khu căn cứ Vườn Mận cho biết căn cứ Vườn Mận được xem là có địa thế hiểm yếu, địa hình liên hoàn, sông rạch bao quanh hiểm trở, tiện cho ta xây dựng căn cứ làm bàn đạp đánh hậu phương địch. Trận đánh 6 ngày đêm bảo vệ căn cứ lõm Vườn Mận năm 1970, là một trận đánh ác liệt, phức tạp, căng thẳng mà lực lượng vũ trang thành phố Cần Thơ đã kiên cường trong thế lực lượng ta chỉ 45 người, trang bị vũ khí thô sơ nhưng tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch...
Nhiều lần, địch điên cuồng bắt bớ, tàn sát dân thường vô tội với mục đích làm cho nhân dân ta lo sợ và không ủng hộ cách mạng nữa, nhưng không gì có thể chia cắt được tình quân dân. Nhân dân tại đây luôn đùm bọc chiến sỹ̃ cách mạng. Có những người mẹ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ an toàn cho căn cứ, không quản khó khăn ngày đêm nuôi giấu chiến sỹ cách mạng, bảo vệ an toàn trạm phẫu thuật tiền phương, tiêu biểu như Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Quyên, gia đình ông Lê Văn Tiểu...
Khu di tích căn cứ Vườn Mận ngày nay còn lưu giữ nhiều hình ảnh lịch sử sống động của trận đánh 6 ngày đêm Tết Mậu Thân 1968 tại đây, như ảnh Ngã ba cầu Nhiếm, nơi máy bay Mỹ đã ném bom giết hại hơn 200 người dân vô tội (1968); Ngã ba Xẻo Tre, vùng chiến ác liệt giữa ta và địch (1968); Hầm phẫu thuật tiền phương, hầm làm việc của ban chỉ huy chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ; chiếc ghe tam bản của bà Dư Thị Phấn cùng với máy Khohler 4 dùng để chuyển tải thương binh và tiếp tế lương thực trong tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; hình ảnh khách sạn Nam Phương bị giặc bắn phá mùng 3 Tết Mậu Thân 1968; mô hình trạm phẫu thuật tiền phương...
Chị Lâm Kim Huệ, khách tham quan đến từ Cà Mau chia se: hình ảnh và hiện vật gợi lên trong lòng người ấn tượng về một cuộc sống, một vùng quê hết sức bình dị dân dã nhưng hết sức anh dũng kiên cường vượt qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và giành thắng lợi. Chính điều này làm cho chị và mọi người thêm phần cảm phục và tự hào về tình quân dân Việt Nam.
Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết Khu di tích Căn cứ Vườn Mận là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách, điểm về nguồn đầy ý nghĩa cho thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Do đó, cần có biện pháp quảng bá, thu hút và khuyến khích tạo điều kiện cho người dân khu vực liên kết kinh doanh dịch vụ để hỗ trợ phát triển du lịch và phục vụ khách tham quan.
Mặc dù Khu di tích Căn cứ Vườn Mận chưa được đưa vào các tour du lịch nhưng hàng năm nơi này có đông đảo khách du lịch đến tham quan, trung bình khoảng 1.500 lượt khách/năm. Riêng bốn tháng đầu năm 2014 đã có hơn 1.400 lượt khách, trong đó có hơn 50 lượt khách quốc tế.