Việt Nam bình dị qua góc nhìn nhiếp ảnh gia Ukraine

08/08/2021
1415

Dima Gilitukha, người Unkraine, là một nhiếp ảnh gia chuyên đăng và bán ảnh qua các trang stock rất thành công như Depositphotos. Kho ảnh của Dima là tập hợp chủ yếu ảnh trên đường du lịch cũng như trong các chuyến nghiên cứu.

Dima đã dành 210 ngày để du lịch nhiều nước châu Á, trong đó có nguyên một tháng trải nghiệm các vùng miền ở đất nước hình chữ S. Hành trang du lịch của Dima không bao giờ thiếu những chiếc máy ảnh số và phim. Anh tự gọi mình là nhiếp ảnh gia du lịch nhưng anh cũng chụp cả chân dung. Trên hình là bức ảnh một cụ bà người dân tộc miền núi phía bắc Việt Nam.

"Tôi lưu lại môi trường xung quanh mình bằng cách chụp những khoảnh khắc chân thật. Đó có thể là ảnh chân dung, phong cảnh hay ảnh kiến trúc", Dima chia sẻ.

Tháng 4/2016, khi đến Việt Nam, Dima chọn cách di chuyển từ Nam ra Bắc, trải nghiệm đời sống người dân địa phương ở các vùng miền khác nhau từ thành phố lớn như TP HCM, Cần Thơ, Hà Nội... cho đến những miền quê, vùng núi. Trong số ảnh chụp ở Việt Nam, Dima thích nhất loạt ảnh chụp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Sau TP HCM đông đúc là Dima đến với Cần Thơ, dạo chơi chợ nổi Cái Răng rồi ngược lên miền Trung tới phố cổ Hội An, thưởng thức cà phê phin trước khi đi tiếp ra Bắc.

Khi còn là sinh viên, Dima đi chợ giời và mê mẩn một chiếc máy ảnh phim nên mua về và tập tành chụp. Nhiều năm sau, khi tốt nghiệp và làm khoa học là chính nhưng nhận mình ra có thể kiếm tiền từ chụp ảnh thì anh đổi từ máy phim sang máy số và bắt đầu du lịch nhiều hơn.

Chuyến du lịch châu Á dài 210 ngày đã giúp Dima phát triển bản thân nhiều hơn, và hiểu rõ mình hơn khi rẽ sang nghề nhiếp ảnh. Việt Nam là nước cuối cùng trong chuyến đi, anh đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều dân tộc ở những vùng đất khác nhau.

Dima kể về quyết định đổi nghề: "6 tháng trước chuyến đi, tôi vẫn là một nhà khoa học công tác ở Đại học Kyiv nhưng rồi du lịch giúp tôi mở rộng ý thức của bản thân. Và để giấc mơ du lịch thành hiện thực tôi phải tìm nguồn thu nhập mới để giúp mình đi đây đi đó. Vì thế tôi lập tài khoản trên Depositphotos và bắt đầu bán ảnh cá nhân".

Trong chuyến đi Việt Nam nhiếp ảnh gia Ukraine dành thời gian khám phá Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi có rất nhiều hang động lớn nhỏ có vẻ đẹp hút hồn.

Cảm nhận sau một tháng ở Việt Nam của Dima: "Việt Nam là một đất nước đẹp tuyệt vời dù khác biệt ngôn ngữ, văn hóa sống. Bất kể du khách nào tới đây cũng tìm ra điều khiến họ yêu thích như những hang động đẹp, vịnh Hạ Long, những ngôi làng nhỏ, cà phê phin, núi non hay biển đảo".

Dima không kỳ vọng nhiều khi lên kế hoạch đến Việt Nam nhưng chuyến đi đem đến cho anh góc nhìn khác so với điều anh nghĩ. Đất nước đang phát triển, người dân tuy không quá thân thiện như dân Malaysia và Ấn Độ nhưng phong cảnh thật sự hấp dẫn với những mảng màu tươi sáng.

Một góc chợ phiên Cán Cấu, Si Ma Cai, Lào Cai, rực rỡ sắc màu cũng những bộ trang phục truyền thống của người H'Mông.

3 ngày cuối hành trình, Dima và bạn chạy xe máy 450 km trên vùng núi Lào Cai đến Sa Pa để được chiêm nhưỡng ruộng bậc thang nhưng anh biết mình đi sai thời điểm vì ruộng đã qua thời điểm thu hoạch đã lâu. Tuy nhiên, anh không bỏ qua phiên chợ sôi động ở Cán Cấu hội tụ rất nhiều người H'Mông, Dao.

Một trải nghiệm đặc biệt khác khi ở Tây Bắc, Dima và bạn từng ở nhờ nhà dân để chụp ảnh tư liệu. Họ sống trong ngôi nhà không có đèn điện và nấu bữa tối bằng bếp củi. Anh từng hỏi người mẹ trong gia đình đó, hạnh phúc có ý nghĩa gì với cô và nhận câu trả lời "Hạnh phúc của cô là mùa màng bội thu và con cái khỏe mạnh".

Theo Dima, để chụp được nhiều ảnh hay ở Việt Nam cần phải tìm một ngôn ngữ chung với người địa phương hoặc bắt đầu xác định được biểu hiện của họ. Tất nhiên, điều đó không dễ dàng. Tuy nhiên, gương mặt của họ thể hiện nhiều hơn lời nói, đặc biệt khi gặp vấn đề khác biệt ngôn ngữ.

 

Khánh Trần (Theo Boredpanda, Brightside)

Nguồn: https://vnexpress.net/viet-nam-binh-di-qua-goc-nhin-nhiep-anh-gia-ukraine-4335962.html

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!