Làng nghề đươn bàng Ba Chúc, An Giang

16/09/2021
1243

Theo các nghệ nhân cao tuổi, hàng trăm năm trước ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã hình thành làng nghề đươn bàng với vài trăm hộ. Ngày nay, do điều kiện kinh tế-xã hội nhiều lần đổi thay, chỉ còn khoảng 40 hộ còn giữ nghề thủ công truyền thống.

Nguyên liệu chính của nghề này là cây cỏ bàng. Cây cỏ bàng được sử gia Trịnh Hoài Đức (1765-1825) gọi là “không tâm bồ” có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười trong sách Gia Định thành thông chí viết từ thế kỷ 19. Cây cỏ bàng có tên khoa học là Lepironia articulate,  cây thích nghi tốt ở vùng đất bùn lầy, phèn chua ở các tỉnh như Tiền Giang (Phú Mỹ, Tân Phước), Long An (Đức Hòa, Đức Huệ, Vĩnh Hưng…), An Giang, Kiên Giang…

Đặc điểm nổi bật của cây bàng là loài thuộc thân cỏ, mình tròn, rỗng ruột, có rễ chùm, to gần bằng đầu đũa ăn cơm, cao từ 1,2 - 2 m, khá giống cây cỏ năn, nhưng lớn, cứng và dài hơn. Vào mùa nắng cỏ bàng bị khô rụi, chỉ còn lại bụi gốc nằm dưới một lớp bùn đất. Đến mùa mưa, nước nổi, bàng bắt đầu lên đọt mới, cao dần đến khi đủ chiều dài cho người dân đến nhổ về sử dụng.

Để cây bàng thành nguyên liệu phải qua nhiều công đoạn khá vất vả: Nhổ, tót, phơi và giã.

Tót bàng, phải chăng bắt nguồn từ chữ “tỉa tót” ? Đây chính là việc phân loại bàng theo chiều cao sau khi nhổ từ ngoài đồng về. Tót bàng bằng cách dựng một cây cột đứng cao bằng đầu người lớn, bàng nhổ về đem dựng vào cột thành bó lớn xung quanh, dùng dây cột giữ lại. Kế tiếp, rút bàng ra theo loại từ cao tới thấp, cột lại thành từng bó gọi là “neo bàng”. Neo bàng có giá cao thấp tùy theo chiều dài, ngắn. Khách hàng mua bàng có thể chọn lựa neo bàng theo nhu cầu sử dụng của mình.

Nghệ nhân Lê Thị Nguyệt (Tư Nguyệt, 64 tuổi)- Thị trấn Ba Chúc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Phơi bàng: Bàng nhổ về, tót xong phải đem phơi nắng để giữ màu sắc tươi đẹp, bàng nhổ xong để lâu ngày sẽ ngả màu nâu sậm. Sản phẩm làm ra màu vừa xấu, vừa không chắc, bền. Người ta phơi bàng theo 2 cách: Nhà có sân rộng thì trải bàng hình rẻ quạt xuống sân, sân hẹp thì làm giàn sào tre để giắt lên phơi. Sau khi neo bàng phơi được 1 nắng, người ta cầm neo bàng dập phần gốc vào một gốc cây to để loại bỏ lớp vỏ mỏng dưới gốc ra.

Giã bàng: Sau khi phơi bàng là đến công đoạn giã. Ngày xưa người ta giã bàng bằng chày và mục bàng. Mục bàng là tên gọi của dân trong nghề chỉ tấm gỗ dày, rộng và nặng để đặt bàng lên giã. Chày giã bàng hai đầu to, bụng thon giống chày đâm tiêu nhưng to và cao gần 2 mét. Mục bàng và chày giã bàng đều làm bằng loại gỗ có độ cứng, nặng.  Người ta đặt neo bàng trên mục bàng, hai tay nắm chặt chày nện đều xuống. Giã bàng là công việc nặng nhọc, cần nhiều sức lực, đa phần do trai tráng đảm nhiệm.

Đêm khuya hay trời mờ sáng, tiếng giã bàng lụp cụp, lum cum vang đều khắp làng quê dưới chân núi Cấm, núi Dài tạo nên nét đẹp như một câu ca dao xa xưa :

Đêm đêm trong ánh trăng mờ

Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

Ngày nay, ở nơi có nguyên liệu bàng như Kiên Lương (Kiên Giang), Tân Phước (Đồng Tháp)… người ta chế tạo ra máy ép bàng. Bàng ép khô thành phẩm, bó sẵn, thợ chỉ mua về đươn ra sản phẩm. Tiếng giã bàng đã lui vào dĩ vãng.

 Đươn bàng là công đoạn cần sự tỉ mỉ, khéo tay nhất. Thợ đươn bàng theo kỹ thuật “long hai”, nghĩa là hai cọng bàng trên, hai cọng dưới; giống với kỹ thuật đươn thúng, sàng, nia… Khi gần hết chiều dài cọng bàng, người thợ gọi là được một “tay”; lúc này đầu cọng bàng còn ngắn thợ phải dùng một dụng cụ gọi là cây kẹp (có nơi gọi là cây ghim). Cây kẹp làm bằng tre, trúc, chuốt nhỏ có hình dáng như một cây nhíp, dùng để kẹp, kéo đầu cọng bàng luồn dưới 2 cọng bàng khác. Nhờ dụng cụ này, người thợ mới “ráp” được hai tay bàng với nhau, tạo ra những tấm đệm có khổ lớn. Đệm tốn nhiều công nhưng không khó bằng nón, giỏ bàng. Các sản phẩm này đòi hỏi người thợ phải tạo mẫu, lận vành, đánh biên…

Một số sản phẩm của làng nghề đươn bàng

Trong thế kỷ trước, làng nghề đươn bàng chỉ cho ra một số sản phẩm chủ yếu: đệm, giỏ xách, nón bàng. Trong đó tấm đệm bàng là vật dụng thân thiết của biết bao gia đình nông dân Nam Bộ. Đệm bàng trải giường, đắp ngủ, trải ra sân đêm trăng sáng tiệc tùng, trà nước; đệm để phơi, giê lúa sau mùa gặt. Nếu cần ngủ giữa đồng sâu, nông dân có sáng kiến may hai đầu đệm lại làm ra chiếc nóp. “Nóp với giáo, mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng…” là lời hùng ca bất hủ của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sang thế kỷ 21, đệm, chiếu, túi xách, nón… bằng nylon, cao su lấn át dần các sản phẩm từ nghề thủ công đươn bàng. Ruộng đồng khô cằn, sỏi đá dưới chân núi ở Ba Chúc khó canh tác, người trong độ tuổi lao động chuyển nghề hoặc đi làm ăn nơi xa; nghề đươn bàng mai một dần.

Bài Lý đươn đệm được nhạc sĩ Trần Kiết Tường (1924-1999) sưu tầm, ký âm từ thế kỷ trước. Đến nay đã có hàng trăm bài hát lời mới được các nghệ sĩ sáng tác trên nền bài lý này. Cũng như thế, làng nghề đươn đệm ở Ba Chúc nhất thiết phải được bảo tồn, phát huy. Có thể đa dạng hóa các sản phẩm: túi xách, túi đeo, túi đựng bình giữ nhiệt, nón bàng… phục vụ cho các khu du lịch vì sản phẩm thân thiện môi trường, tự hủy theo khuyến cáo của ngành chức năng. Bên cạnh đó, tổ chức cho du khách trải nghiệm làng nghề giã bàng, đươn đệm, thưởng thức văn nghệ từ những điệu hò, điệu lý quê hương./.

Bài & Ảnh: Ngọc Anh

 

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!