Khai thác tài nguyên bản địa – Hướng mở cho du lịch Cần Thơ sau Covid-19

24/11/2021
797

Được mệnh danh là thủ phủ của Đồng bằng Sông Cử Long, các địa điểm du lịch Cần Thơ luôn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu và khám phá văn hóa, ẩm thực của con người nơi đây. Để ngành du lịch Cần Thơ nhanh chóng hồi phục sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch địa phương đã, đang xây dựng các mô hình mới, tận dụng các lợi thế tài nguyên du lịch bản địa để thu hút du khách.

Tại Nông trại sạch Cần Thơ – Can Tho Farm, ông Nguyễn Văn Phong, điều hành Cần Thơ Farm cho biết, hướng đi mới của nông trại là khi mở cửa đón khách trở lại, các khu cây giống với nhiều loại trái mới chính là điểm cho khách tham quan, chụp hình, thu hoạch và thưởng thức tại chỗ; còn nếu đóng cửa như hiện nay thì khu thực nghiệm sẽ trở thành nguồn cung cấp cây giống, bán hàng và tư vấn trồng trọt theo hình thức online.      

"Nông trại sạch Cần Thơ nó là một khu thực nghiệm, là nơi tạo ra quy trình cho cây trồng mới, nó sẽ ra đời những cây mới liên tục. Ví dụ như trong đợt dịch này, cây mới ra đời chính là nho và nho ở đây đến từ nhiều nước, nhiều giống chứ không phải chỉ có một giống nho như hồi nào giờ. Cho nên trong giai đoạn này mình tiếp tục đầu tư, sửa chữa, hoàn thiện các cơ sở vật chất, cộng với những sản phẩm của mình để dự đoán, đón đầu khi hết dịch mình sẽ tiếp cận nhanh với nhu cầu mới. Ông Phong nói

Ông Nguyễn Văn Phong, điều hành Cần Thơ Farm đang kiểm tra lại các giống nho trồng trong nông trại. Nông trại chuẩn bị mở cửa với một lượng lớn các loại trái cây, rau củ tươi để đón khách. ảnh: VOV

 Tại khu du lịch Hieu’s Cottage, huyện Phong Điền, nhiều nhóm nhỏ nhân viên đang thực hiện các công việc chỉnh trang, tu sửa, xây mới các tiểu cảnh. Theo ông Nguyễn Văn Nhung, Quản lý khu du lịch Hieu’s Cottage, để tạo sức hút khi quay trở lại sau dịch, Hieu’s Cottage đang triển khai nhiều hạng mục “lần đầu tiên có mặt tại Cần Thơ”, như khu Yoga sky cao 15m, trong khuôn viên 200m2, khách lưu trú sẽ đến để tập yoga với thầy hướng dẫn, nhâm nhi ly cà phê; Sân golf mini 3 lỗ, rộng gần 3.000m2; Khu vườn rau sạch và cây dược liệu…

Ngoài ra, Hieu’s Cottage còn đang trong quá trình hoàn thiện để chuẩn bị “ra mắt” các mô hình “Staycation - Du lịch tại chỗ” như chợ quê, biểu diễn võ thuật Vovinam, workshop nghệ thuật và không gian giới thiệu nét văn hóa nghệ thuật của các dân tộc sinh sống tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long… để thu hút du khách: "Hiện tại bây giờ để có cái nhìn mới lạ đối với du khách khi lại đây thì bên Hieu’s Cottage cũng cố gắng cho các nghệ nhân vẽ trên tường vào, họ sẽ vẽ tất cả các bức tường trong đây, mô phỏng miền quê đặc trưng vùng ĐBSCL những năm đầu thế kỷ XX, ví dụ như: đờn ca tài tử, lò rèn, chợ nổi, chợ quê buổi sáng sớm…"

Hieu’s Cottage còn đang trong quá trình hoàn thiện để chuẩn bị “ra mắt” các mô hình chợ quê, biểu diễn võ thuật Vovinam, workshop nghệ thuật và không gian giới thiệu nét văn hóa nghệ thuật của các dân tộc sinh sống tại ĐBSCL. ảnh: VOV

Bên cạnh việc đẩy mạnh mô hình du lịch khai thác thêm tiềm năng sẵn có với nhiều hình thức và vùng tư liệu mới, mô hình du lịch “sinh thái – cộng đồng” cũng đang được khoác tấm áo mới với sự đầu tư bài bản hơn. Tại Cù lao Tân Lộc, bên cạnh những vườn cây ăn trái như các vùng khác, nơi đây đang được định hướng phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh ở các “xóm nghề” như xóm giăng câu, thả lưới; xóm làm mắm cá tra… 

Tại Cồn Sơn, cộng đồng du lịch đang được định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù về ẩm thực, kết hợp các mô hình tham quan “độc quyền” của cồn với tên gọi “Cồn Sơn hồi đó” và “Cồn Sơn ngày mới”. Nghệ nhân Lê Thị Bé Bảy, một trong các hộ thuộc Làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn, cho biết: “Cồn Sơn hồi đó” mang ý nghĩa sâu hơn và nó thích nghi với những người cần đến giá trị tinh thần, giá trị văn hóa khi đến vùng đất nào đó. Còn “Cồn Sơn ngày mới” là đến trải nghiệm những điều mới “giật gân” và ghi dấu điều đó trong lòng. Cồn Sơn là nơi thu hút cả hai nguồn khách: khách nội địa và khách quốc tế, nhưng rõ ràng có hai lối đi riêng, hai kênh riêng, hai đường đi riêng luôn, thì chúng ta gọi là đa dạng dịch vụ trên một diện tích đất và những con người giống nhau.

 Ngoài việc triển khai các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, đề án bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể, mô hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, khen thưởng, sự kiện, triển lãm)… ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đã tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Busan năm 2021 theo hình thức trực tuyến với gian hàng có chủ đề “Cần Thơ, Việt Nam - đô thị miền sông nước”. Cần Thơ đã cung cấp cho Ban tổ chức Hội chợ các bài viết, ấn phẩm giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, điểm đến hấp dẫn của du lịch Cần Thơ, ảnh và video về các điểm đến tại Cần Thơ như chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều, chợ nổi Phong Điền, nhà cổ Bình Thủy…

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, cho biết: "Sở cũng đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố tổng hợp nhu cầu tiêm vaccine. Đây là nguyện vọng cũng như nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp, của người lao động du lịch. Sau khi tổng hợp Sở sẽ đề xuất thành phố, Sở Y tế cũng như các quận, huyện ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng người lao động làm trong lĩnh vực du lịch để khi bình thưởng mới bắt đầu thì các doanh nghiệp du lịch sẽ hoạt động ngay."

Sự vào cuộc tích cực từ hai phía là cơ quan quản lý và doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo cú hích đưa “ngành công nghiệp không khói” tại Cần Thơ sớm ổn định và phát triển đầy sáng tạo trong giai đoạn “bình thường mới” sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Hồng Phượng

https://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/khai-thac-tai-nguyen-ban-dia-huong-mo-cho-du-lich-can-tho-sau-covid19-1048160.vov

 

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!