Doanh nghiệp du lịch cần gì để phục hồi sau dịch?

01/10/2021
1147

Cần sự hợp tác giữa các địa phương

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự khó khăn trong việc di chuyển giữa các địa phương hiện nay là một cản trở cho khởi động du lịch nội địa. Ông cho rằng các doanh nghiệp cần hợp sức tìm con đường xanh để đưa khách du lịch đến các địa phương một cách thông suốt.

Trẻ em trải nghiệm trồng cây hữu cơ tại thành phố Hội An, Quảng Nam. Mô hình du lịch trải nghiệm và dịch vụ cấp cao sẽ lên ngôi sau dịch. Ảnh chụp lúc chưa bùng phát dịch tại Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm

Ông Đặng Bảo Hiếu, nhà sáng lập Ana Marina Nha Trang, cho biết các doanh nghiệp cần định vị lại để phát triển sản phẩm, điểm đến hướng đến các đối tượng khách khác nhau có nhu cầu đi du lịch hậu dịch.

“Nhóm khách lâu nay thích đi du lịch quốc tế, nhưng hiện không có điều kiện để đi là cơ hội cho chúng ta. Sắp tới khi du lịch nội địa mở trở lại, họ sẽ chấp nhận bỏ ra nhiều chi phí để đi du lịch nội địa với sản phẩm và du lịch khác biệt và đẳng cấp”, ông Hiếu cho biết. “Mô hình du lịch cá nhân hóa với dịch vị đẳng cấp sẽ lên ngôi. Khách sẵn sàng trả nhiều tiền miễn sao họ thấy được du lịch hành xử có  trách nhiệm”.

Ông Hiếu cũng phân tích thêm một số xu hướng du lịch tương lai bao gồm du lịch nội địa, du lịch an toàn, du lịch cao cấp, du lịch có trách nhiệm – bảo vệ – môi trường, du lịch mang giá trị tinh thần, du lịch với thiên nhiên, staycation (nghỉ dưỡng tại homestay), workcation (vừa du lịch vừa làm việc), milestone bucketlist (du lịch theo danh sách lên sẵn hoặc được tư vấn từ các trang du lịch).

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và cũng là Chủ tịch Công ty Emic Hospitality, có đồng quan điểm và cho biết Quảng Nam hướng đến môi trường du lịch xanh. Các sản phẩm du lịch phục vụ cho phụ hồi sau dịch sẽ thay đổi theo hướng này.

“Khoảng 40 doanh nghiệp đã ký với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cam kết hoạt động giảm thiểu rác thải”, ông Thanh nói và cho biết thêm đây là cơ hội để thay đổi. Việc phát triển các sản phẩm du lịch sẽ nương tựa vào giá trị bản địa; tương tác với các hộ dân để phát triển, đưa nông nghiệp hữu cơ từ vườn và nông trại của dân vào nhà hàng. Đưa nông dân vào chuỗi giá trị du lịch của mình sẽ là xu thế.

“Khi đã tạo được những giá trị này thì khách du lịch họ chấp nhận giá cao để đi du lịch và hưởng thụ”, ông Thanh cho biết.

“Để có thể nắm bắt được xu hướng du lịch nội địa sắp tới, các doanh nghiệp du lịch cần hợp tác với nhau đưa ra bộ quy tắc ứng xử trong bình thường mới, tăng cường tính linh hoạt trong kinh doanh, chuyển đổi số, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mua bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, xây dựng kế hoạch xử lý khủng hoảng và rủi ro…”, ông Hoành Nhân Chinh, Trưởng ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Ông cho biết thêm xác định sống lâu với dịch, TAB đang đề xuất Chính phủ lập tổ tác chiến thực hiện chương trình thí điểm sử dụng thẻ du lịch thông hành xanh Việt Nam. Các công ty lữ hành, lưu trú và điểm đến cần có chứng nhận an toàn dịch bệnh cũng như tỷ lệ tiêm vaccine cao sẽ tạo ra sự tin tưởng cho khách du lịch.

Đây là những chìa khóa để mở cửa lại cho du lịch Việt Nam.

Nhân Tâm

Nguồn: Báo Saigontimes

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!