Di sản và du lịch song hành: Các biểu tượng 100 tuổi ở Cần Thơ

30/08/2021
1700

Chợ cổ Cần Thơ

“Về Tây Đô đừng quên ghé thăm chợ cổ Cần Thơ nhé!” đó là câu nói thường nghe thấy của những du  khách đã từng đến thủ phủ miền Tây. Cũng không rõ lý do là vì sao, nhưng có lẽ ngôi chợ cổ này gây ấn tượng bởi sự thanh tịnh, nho nhã, uy nghi, trầm mặc, hoài cổ rất lạ thường.  

Chợ cổ Cần Thơ khi chưa trùng tu. Ảnh tư liệu

Có thể nói, Chợ cổ Cần Thơ là một trong những nơi lưu dấu ký ức văn hóa, lịch sử rõ nét nhất của vùng đất Tây Đô. Chợ được xây dựng khoảng năm 1915, là ngôi chợ có kiến trúc Pháp hoà lẫn phong cách Việt vô cùng độc đáo, đẹp nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long lúc bấy giờ.

Kiến trúc vừa hiện đại vừa mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước. Ảnh tư liệu

Hiện nay Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ được trùng tu, khôi phục nguyên trạng như hàng trăm năm trước với trần cong xương cá, mái ngói lợp kiểu âm dương, không gian mở rộng, hài hòa. Chợ có tổng diện tích 1.723m2 hình chữ nhật, mặt sau hướng ra sông Hậu, mặt trước hướng về trung tâm thành phố. Không gian bên trong phân lô nhỏ, để mọi người vào buôn bán các sản phẩm quần áo, đồ chơi, đồ lưu niệm …cho du khách và một nhà hàng  dạo chơi khu vực bến Ninh Kiều.

Mặt sau chợ về đêm rất lung linh, thơ mộng. Ảnh: windpro

Bên trong chia thành các gian nhỏ bán quà lưu niệm, sản phẩm du lịch cho du khách. Ảnh: T. H

Điều hấp dẫn ngoài việc tham quan, mua sắm và chiêm ngưỡng kiến trúc, điều làm cho du khách thích thú khi đến đây là được khám phá những món ngon ẩm thực hấp dẫn Âu - Á tại nhà hàng Sao Hôm và tha hồ thưởng thức các món ăn vặt tại khu ẩm thực đêm.

Mê mẩn với các món ăn tại chợ đêm Cần Thơ. Ảnh: Sưu tầm 

Một chuyến ngoạn cảnh về đêm ở bến Ninh Kiều bạn có thể tham quan chợ cổ, mua sắm ít đồ lưu niệm, thưởng thức vài món ăn vặt hay nhâm nhi một ly cà phê bên bờ sông Hậu, cảm giác sẽ rất tuyệt vời.

Địa chỉ: Bến Ninh Kiều, đường Hai Bà Trưng

Nhà cổ Bình Thủy

Nhà cổ Bình Thủy là di tích kiến trúc nghệ thuật được xây dựng vào năm 1870, bằng gỗ lợp ngói theo kiến trúc Pháp để thờ cúng tổ tiên. Ngôi nhà hiện tại được xây dựng và trùng tu lại vào năm 1911 và là ngôi nhà cổ hiếm hoi còn lại khá nguyên vẹn ở Bình Thủy.

Lối kiến trúc Đông – Tây kết hợp hài hòa. Ảnh: T.H

Điểm nổi bật của ngôi nhà là lối kiến trúc độc đáo có sự giao thoa văn hóa Đông - Tây một cách hài hòa, chọn lọc nhưng vẫn giữ được hồn của dân tộc. Căn nhà năm gian với rào bao quanh cùng cổng bằng sắt với hàng loạt các họa tiết trang trí hình cá vàng, kì lân hay hoa, lá bằng xi măng trên bờ nóc và đầu hồi.

Hòn non bộ rất lớn trước sân nhà. Ảnh: T.H

Ngôi nhà được chia thành nhiều gian, trước sân là hòn non bộ với tỷ lệ đá nước được sắp xếp có quy luật. Mặt tiền ngôi nhà không có cầu thang chính giữa đi lên trực tiếp mà được thiết kế theo hai hướng tả hữu của ngôi nhà. Khu nhà được bao bọc bởi cây cảnh được cắt tỉa chu đáo, hoa nở rộ bốn mùa.

Cầu thang hai bên nhà với rất nhiều hoa là điểm check in yêu thích của du khách tham quan. Ảnh: T.H

Bên trong ngôi nhà là một “kho cổ vật” được gìn giữ suốt nhiều thế kỉ,  bộ bàn ghế cẩm thạch, bộ sa–lông kiểu Pháp đến tách chén nậm trà, rượu đời Minh – Thanh… Hoa văn điêu khắc từ những cây cột, vòm cửa cho đến viền nhà đều được chạm khắc vô cùng tinh tế, tỉ mỉ. Toàn bộ khu thờ uy nghiêm với bàn thờ, khánh thờ son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ.

Nhà cổ Bình Thuỷ đã được công nhận là “di tích nghệ thuật cấp quốc gia”, thu hút đông đảo du khách đến đây khi đi du lịch Cần Thơ. Nơi đây cũng trở thành bối cảnh cho những thước phim như Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời. .. và nổi tiếng nhất là phim “Người tình” của đạo diễn người Pháp Jean Jacques Annaud. 

Dấu ấn bộ phim “Người tình” trong nhà cổ. Ảnh sưu tầm

Địa chỉ: số 144, đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy.

Nam Nhã Đường

Đây là vừa điểm du lịch tâm linh vừa là di tích lịch sử của Cần Thơ. Du khách đến chùa không chỉ để lễ bái, cầu an lành mà còn đến để được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, tìm hiểu lịch sử khi nơi đây là địa điểm liên lạc của những người yêu nước trong phong trào chống Pháp và của Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang.

Chùa Nam Nhã có lối kiến trúc độc đáo trên trăm năm tuổi. Ảnh: sưu tầm

Chùa Nam Nhã nằm trong khuôn viên rộng lớn được bao quanh bởi một khu vườn có nhiều cây tùng, trắc bá diệp và nhiều cây cổ thụ khác trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy. Gồm các hạng mục chính: Chính điện, nhà Đông lang và Tây lang; xung quanh bao bọc bởi công viên bờ kè, cổng, hàng rào.

Cổng chùa có 2 câu đối và xung quanh có nhiều cây cổ thụ quý. Ảnh tư liệu

Cổng chùa rất đặc biệt với hai câu liễn đối lấy chữ đầu là Nam và Nhã. Bên phải là "Nam địa độ nguyên nhân, bát nhã cầm thinh thông giác lộ", câu bên trái là "Nhã đình chiêu thiện khách, bồ đề thụ ảnh cái thiền môn" vừa dạy đạo vừa dạy đời, vừa khơi gợi lòng yêu nước, nghĩa tình dân tộc.

Nằm cạnh vàm sông Bình Thủy thơ mộng, đồ thờ tự trên trăm năm tuổi, nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích văn hóa có giá trị.

Nếu bạn có dịp du lịch Miền Tây hãy dừng chân ghé qua Chùa Nam Nhã Cần Thơ, đọc đôi câu thơ, ngẫm đôi câu liễn, cúi đầu kính cẩn trước những giá trị tâm linh và tưởng nhớ đến ông cha ta đã hi sinh thân mình để có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay.

Địa chỉ: số 612 đường CMT8, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy.

Chùa Ông

Nằm dọc tuyến đường Hai Bà Trưng, chùa Ông với lịch sử hàng trăm năm, là nơi sinh hoạt tâm linh độc đáo của cộng đồng người Hoa tại đây.

Chùa Ông nổi bật giữa khu phố sầm uất nhất của bến Ninh Kiều. Ảnh: MienTayCoGi.com

Với đường lối kiến trúc tinh tế, hoa văn mang đậm nét văn hóa Trung Hoa đặc sắc. Vẻ đẹp của ngôi chùa vẫn còn trường tồn theo thời gian, xứng danh là một ngôi chùa đẹp ở miền Tây Nam Bộ trở thành điểm đến nổi tiếng của Cần Thơ. 

Chùa Ông bắt đầu xây dựng vào năm 1894, đến năm 1896 hoàn thành. Chùa Ông Cần Thơ cũng như những ngôi chùa Hoa khác, không nằm biệt lập mà hòa mình vào giữa khu dân cư náo nhiệt. Diện mạo chùa Ông nổi bật giữa khu phố sầm uất nhất của bến Ninh Kiều, các mảng kiến trúc trang trí sắc màu rực rớ thu hút sự chú ý của mọi người. 

Chánh điện rất đẹp với nghệ thuật điêu khắc chạm nổi. Ảnh: sưu tầm

Nét nổi bật của chùa Ông còn là nghệ thuật điêu khắc chạm nổi trên những phù điêu hiện diện khắp nơi, từ các bao lam, hoành phi, liễn đối với nội dung vô cùng phong phú, rút ra từ các huyền thoại, lịch sử Trung Quốc: Tam quốc chí, Ngũ Hổ bình tây, Bát tiên, Đông Chu liệt quốc, Thủy cung hoặc thể hiện ờ kỹ thuật chạm chìm những đề tài quy ước mai, lan, cúc, trúc, lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa tiên, chim phụng… Hơn 120 năm qua, những kiến trúc chùa Ông vẫn giữ nguyên vẹn từ lúc mới thành lập đến nay.

Chánh điện rất đẹp với nghệ thuật điêu khắc chạm nổi. Ảnh: sưu tầm

Nét nổi bật của chùa Ông còn là nghệ thuật điêu khắc chạm nổi trên những phù điêu hiện diện khắp nơi, từ các bao lam, hoành phi, liễn đối với nội dung vô cùng phong phú, rút ra từ các huyền thoại, lịch sử Trung Quốc: Tam quốc chí, Ngũ Hổ bình tây, Bát tiên, Đông Chu liệt quốc, Thủy cung hoặc thể hiện ờ kỹ thuật chạm chìm những đề tài quy ước mai, lan, cúc, trúc, lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa tiên, chim phụng… Hơn 120 năm qua, những kiến trúc chùa Ông vẫn giữ nguyên vẹn từ lúc mới thành lập đến nay.

Địa chỉ: Bến Ninh Kiều - Cần Thơ 

T.H- TTPTDL

 

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!